Các chuyên gia nhìn lại một năm vượt khó của ngành nông nghiệp

12:01' - 24/12/2020
BNEWS Năm 2020, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt cùng lúc nhiều rủi ro khác nhau, gồm: đại dịch COVID-19, các hệ quả của biến đổi khí hậu nhưng đã thể hiện tốt vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Sáng 24/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến “Nhìn lại một năm vượt khó của ngành nông nghiệp trước đại dịch COVID-19”.

Nhìn lại một năm với ngành nông nghiệp, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt cùng lúc nhiều rủi ro khác nhau, gồm: đại dịch COVID-19, các hệ quả của biến đổi khí hậu từ hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ… Cũng do biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh di cư xâm nhập vào nước ta gây thiệt hại lớn cho ngành.

Dịch COVID-19 tác động chủ yếu đến vấn đề lưu thông hàng hoá; trong đó những ngành hàng nào dựa chủ yếu vào xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tươi sống thì bị ảnh hưởng nặng nề nhất như rau quả, thuỷ sản… Trong khi đó, những mặt hàng được chế biến, có thể bảo quản lâu thì ít bị ảnh hưởng hơn như gạo…

Nhìn lại trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm một cách đáng kể, nhất là các bếp ăn tập thể, công nghiệp. Sản phẩm thịt gia cầm và trứng luôn ở mức rất thấp. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại tăng từ 5-10% do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nông dân đã khốn khó lại càng khốn khó hơn.

Về xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, con số kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 41,25 tỷ USD là 1 con số đầy ấn tượng. Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo kịp thời về cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm tốt trong tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường. Một yếu tố quan trọng nữa, các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ông Hoàng Văn Tú, Đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong khi các nước giảm, thậm chí có nước giảm 30%. Kết quả này là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, ổn định được sản xuất. Việt Nam đã biết tận dụng và chiếm lĩnh tốt khoảng trống về thị trường mà các nước khác để lại.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đánh giá về vai trò của ngành nông nghiệp ông Đào Thế Anh cho biết, việc đầu tiên ngành nông nghiệp đóng góp là đảm bảo lương thực, thực phẩm. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất lúa gạo, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một lượng lớn.

Khi dịch xảy ra, khu vực phi nông nghiệp, lao động ở thành phố mất việc làm, trở về quê. Nhờ nông thôn và hậu phương nông nghiệp nên đã giải quyết được một phần thu nhập cho họ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vẫn duy trì năng lực xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá thêm, nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò trụ cột của nền kinh tế. Đó là ngành đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động; giúp đảm bảo an ninh lương thực, trong khi các nước khác thì tỏ ra lúng túng, lo ngại vấn đề an ninh lương thực; đóng góp gia tăng GDP cho nền kinh tế đất nước; là ngành kinh tế hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác.

“Nếu chúng ta không đủ ăn, thì không thể lo phát triển các ngành khác. Nhưng khi chúng ta chủ động được lương thực thì chúng ta hoàn toàn yên tâm phát triển các ngành khác. Trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam có 2 điểm nhấn đặc biệt là vươn mình trong gian khó và bứt phát ngoạn mục trong xuất khẩu.”, ông Nguyễn Thanh Sơn chỉ ra.

Nhận định về thời gian tới, ông Hoàng Văn Tú cho rằng, thiên tai sẽ ngày càng cực đoan, thị trường càng ngày càng khốc liệt. Để giải quyết các khó khăn, thách thức về thiên tai, thị trường, Việt Nam cần có chiến lược. Đó là sản xuất nông nghiệp phải theo hướng bền vững; đa dạng hoá về sản phẩm và thị trường. Với việc sản xuất bền vững, có giá trị và trách nhiệm sẽ nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên thế giới.

 

Để ổn định và phát triển sản xuất bền vững, theo ông Đào Thế Anh cần phải xem xét dưới nhiều góc cạnh. Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều vùng, không chỉ sản xuất mà cả chuỗi giá trị. Chúng ta cần phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những vùng khó khăn, miền núi đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Do đó, ngành nông nghiệp phải thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, triển khai các mô hình nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng.

Đối với vùng sản xuất hàng hóa cần sản xuất theo tiêu chuẩn, bởi, mở cửa thị trường thì dễ nhưng để đưa được hàng vào thì không đơn giản do năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã còn yếu. Vì thế, Nhà nước cần tăng cường năng lực cho các hộ, hợp tác xã thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; rồi ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, kinh doanh để họ tham gia vào chuỗi giá trị.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, ba cuộc khủng hoảng sẽ luôn đến với ngành nghiệp đó là thiên tai, dịch bệnh và thị trường. Do đó, ngành phải có kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các khủng hoảng đó.

Nông nghiệp hiện nay không thiếu chính sách, các chính sách rất nhân văn, nhưng do thiếu nguồn lực để thực hiện dẫn đến thực thi gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp phải xem xét lại điều kiện thực hiện chính sách để khi ban hành chính sách đó thực sự có hiệu quả.

Ngành nông nghiệp cũng phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách về đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục