Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng Luật

14:39' - 16/08/2018
BNEWS Sáng 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng thể chế, tập trung vào Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số luật có liên quan đến Luật Quy hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng Luật. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, thẩm định về Luật Đầu tư công sửa đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu các ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc sửa đổi Luật đầu tư công phải theo hướng phân cấp, giao quyền rõ hơn cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng; các thủ tục phải đơn giản, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, thuận lợi trong giao kế hoạch vốn và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công.

Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó có quá trình chuẩn bị, các thủ tục rườm rà dẫn đến tiến độ giải ngân đầu tư công bị chậm.

Thủ tướng yêu cầu Dự thảo chỉ tập trung điều chỉnh vấn đề quản lý vốn ngân sách trong đầu tư; đồng thời bổ sung phạm vi điều chỉnh các dự án đầu tư bằng ngân sách của Nhà nước nhưng triển khai ở nước ngoài.

Về khái niệm các nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng cần quy định rõ đảm bảo sự đồng bộ với Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước; có quy định phân cấp phù hợp tính chất từng đồng vốn; đồng bộ nhiệm vụ chi, quy trình lập, chi ngân sách Nhà nước mà trong đó, tập trung vào vốn ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ hơn khái niệm theo hướng tháo gỡ, trao quyền, tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động đầu tư công.

Về vấn đề tiêu chí, phân loại dự án đầu tư ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rõ căn cứ nâng tiêu chí dự án để Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Đối với dự án có cấu phần xây dựng, Thủ tướng yêu cầu quy định theo hướng cần rà soát lại tính phù hợp với Luật Xây dựng với tinh thần “không để 1 việc mà hai người cùng làm” hoặc “1 việc mà phải báo cáo hai bộ”.

Về quy định ủy quyền cho thường trực HĐND, Thủ tướng đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, minh bạch và chịu trách nhiệm, không ôm đồm.

Tại phiên họp này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về việc ứng phó bão số 4, đưa ra các giải pháp đề phòng ngừa và xử lý các vấn đề có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

Báo cáo tại buổi làm việc sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Mạnh Thắng cho biết, theo thống kê của Bộ, đã có 33 tỉnh bị ảnh hưởng do mưa lũ thời gian qua.

Đặc biệt, có 5886 hộ thuộc 14 tỉnh trên các vùng, miền của đất nước hiện không ở được chỗ ở cũ, phải ở nhà tạm hoặc địa điểm khác. Ngoài ra số hộ trong vùng mất an toàn, cần cảnh báo cao là 4373 hộ. Những hộ ở trong các khu vực đã xảy ra sạt lở đất là 7378 hộ.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, giải quyết tình hình của 5886 hộ thuộc 14 tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn với 2 hình thức: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ xây nhà ở mới và hỗ trợ cho địa phương xây dựng hạ tầng với tổng kinh phí dự kiến là khoảng trên 880 tỷ; trong đó tập trung vào các địa phương chịu thiệt hại nặng như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.

Hoan nghênh đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc hỗ trợ các hộ đang ở nhà tạm, mất nhà, không có chỗ ở do thiên tai là rất cần thiết.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại chính xác các đối tượng, trường hợp cần hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất.

Về nguồn lực, Thủ tướng định hướng xã hội hóa nguồn lực theo hướng ngân sách trung ương, địa phương, kết hợp với xã hội hóa và kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp.

Về mức hỗ trợ, Thủ tướng nhấn mạnh đây là những đối tượng mất nhà, mất tài sả

n, do đó, thường là người nghèo, có điều kiện sống khó khăn. Vì vậy, cần có mức hỗ trợ phù hợp; trong đó, cần nâng mức hỗ trợ trực tiếp, hạ mức hỗ trợ hạ tầng để người dân có thể có điều kiện dựng nhà trên nền đất mới, ổn định đời sống, tái sản xuất./.

Xem thêm:

>>Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số chính phủ điện tử

>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục