Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật

19:27' - 08/03/2019
BNEWS Chiều 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Cùng dự có các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ.
Chiều 8/3/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp chính phủ chuyên đề về xây dựng Luật. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về Báo cáo Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác xây dựng thể chế đã được Chính phủ rất chú trọng, đốc thúc, đưa lên đầu chương trình các kỳ họp Chính phủ.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá rằng chất lượng các thể chế vẫn còn những vấn đề tồn tại. Các bộ trưởng bước đầu đã có sự quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, song vẫn còn tình trạng giao khoán cho cấp dưới, thậm chí cấp chuyên viên dự thảo một số văn bản luật, nghị định và chưa lấy ý kiến đầy đủ của các bên liên quan.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung hơn, dành thời gian nhiều hơn, củng cố bộ phận làm thể chế, bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Tư pháp là phải nâng cao vai trò thẩm tra các dự án luật, văn bản luật; phải có tiếng nói về những bất cập, bất hợp lý trong dự thảo các văn bản luật trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Về khái niệm phạm vi nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước thì còn các nguồn vốn khác cũng của Nhà nước nhưng chưa cân đối trong ngân sách nhà nước.

Chính phủ thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu bộ này kiến nghị Chính phủ hoàn thiện khái niệm phạm vi nguồn vốn, không liệt kê các nguồn vốn khác vừa nêu trong Luật; giao Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi, trình tự thủ tục đầu tư đối với nguồn vốn này.

Chính phủ phải có trách nhiệm sử dụng vốn đúng quy định pháp luật.

Đối với quy định về dự án đền bù giải phóng mặt bằng, Thường vụ Quốc hội đã có kết luận không tách riêng công tác bồi thường hỗ trợ dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Trong trường hợp cần thiết thì căn cứ vào dự án đầu tư công cụ thể để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Thủ tướng yêu cầu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng này.

Về tiêu chí mức vốn phân loại các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, Thủ tướng đồng ý tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội theo hướng: từ mức 20 nghìn tỷ đồng thì báo cáo Quốc hội cho ý kiến, mức vốn nhỏ hơn số này thì phân công cho Chính phủ quyết định.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội rà soát chỉnh lý hoàn thiện quy định này.

Tán thành với ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng cho rằng dự thảo Luật Đầu tư công cũng cần quy định giao quyền cho Thường trực HĐND trong việc quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, danh mục đầu tư... trong thời gian không diễn kỳ họp HĐND, từ đó thúc đẩy các dự án triển khai nhanh hơn.

Tại phiên họp các thành viên Chính phủ cũng thảo luận về thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục