Thủ tướng: Đề án 06 chỉ thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu, tham gia và thụ hưởng

13:35' - 28/06/2024
BNEWS Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, sản xuất kinh doanh.
Sáng 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 thực hiện Đề án 06/Chính phủ, đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu chính UBND thành phố Hà Nội với điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn của thành phố và điểm cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 33 ngàn đại biểu tham dự.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 15 tỉnh, thành phố các vùng miền cả nước.

Đảm bảo cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn thành phố; là địa phương tiên phong trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.

Hà Nội đã triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, tiêm chủng, hộ tịch, đoàn thể… đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Thành phố thực hiện nghiêm túc công tác thu nhận hồ sơ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Hà Nội đã thí điểm xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID... Cơ bản, thành phố đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện dịch vụ công một phần, toàn trình trên các Cổng dịch vụ công. Thành phố chưa hoàn thành được việc số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…

Ngoài ra, còn một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; trong công tác hủy số định danh; làm sạch dữ liệu dân cư; thu nhận hồ sơ Căn cước công dân; thu nhận hồ sơ định danh điện tử; cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID; thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe tĩnh…

Sau khi Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu, thông tin tình hình thực hiện, ghi nhận và định hướng các nhiệm vụ sắp tới trong thực hiện Đề án 06/CP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ kết quả chuyến công tác dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 vừa qua, cho biết chuyển đổi số đang là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu của thế giới trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã và đang đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người.

Nhấn mạnh, Việt Nam xác định chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội dựa vào chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và lập nghiệp.

Theo Thủ tướng, một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được chọn làm thí điểm triển khai Đề án 06.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp...

Biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua; chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà thành phố cần khắc phục và các bài học kinh nghiệm được rút ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2025, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả Đề án 06, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, nhưng vô cùng quan trọng và cũng không kém phần vẻ vang.

“Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng một đề án tương tự như đề án mà Bộ Công an đã làm để kết nối với Đề án 06 Trung ương”, Thủ tướng yêu cầu.

Hà Nội phải tiên phong trong phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải là địa phương tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

“Thành phố phải bám sát vào những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố chú trọng 5 mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội thời gian tới là: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ; kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, thành phố phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tập trung đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân.

“Hà Nội phấn đấu tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%; cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân đạt 100%, cùng với đó 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân”, Thủ tướng chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy mạnh làm giàu thông tin, cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên nền tảng VNeID. Theo đó, Bộ Công an tích cực xây dựng và cung cấp các tiện ích mới, thiết yếu trên nền tảng VNeID phục vụ người dân, doanh nghiệp; cấp tài khoản định danh cấp độ 2 cho 100% dân số Hà Nội và tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các tiện ích trên nền tảng VNeID; đẩy mạnh làm giàu thông tin, cho phép người dân chủ động cập nhật dữ liệu cá nhân và được xác thực trên nền tảng VNeID.

Hà Nội phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025, 100% đối tượng được thụ hưởng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử nội địa, xuyên biên giới cung cấp hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng phù hợp các công cụ chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo...; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ Hà Nội nói riêng và UBND các địa phương nói chung trong triển khai Đề án 06; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Đề án 06 tại Hà Nội chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà Đề án 06 mang lại. Tích cực triển khai tuyên truyền theo nhiều hình thức khác nhau qua các phương tiện truyền thông đại chúng”, Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh, hai năm rưỡi vừa qua là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Thủ tướng cho rằng phía sau là những kết quả triển khai ấn tượng nhưng hết sức cơ bản, và phía trước chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thành các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra đến năm 2025.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, đồng hành sát sao cùng Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hà Nội ngày càng phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với quyết tâm, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, mang lại nhiều thành công, thắng lợi mới và những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

* Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội công bố vận hành các nền tảng, ứng dụng thực hiện Đề án 06 của thành phố gồm: Nền tảng Công dân số (iHanoi); nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội (EHR - Electric Health Record), Sổ sức khỏe điện tử (PHR- Personal Health Record), nền tảng Phòng họp không giấy tờ (eCabinet).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục