Thủ tướng dự hội nghị công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào

17:53' - 19/09/2017
BNEWS Chiều 19/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện các bộ, ngành và 10 địa phương có đường biên giới chung hai nước Việt Nam – Lào.

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào.

Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã kết thúc đàm phán và ký kết “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào” tạo cơ sở về mặt chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.

Thực hiện Hiệp ước hoạch định, trong giai đoạn 1978 - 1987, hai bên đã tổ chức và hoàn thành cơ bản công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên thực địa, giải quyết xong các vấn đề phát sinh liên quan đến việc giải quyết biên giới giữa hai nước như việc chuyển giao đất, bàn giao dân và tài sản giữa hai bên... phù hợp với luật pháp quốc tế, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và thực tế đường biên giới giữa hai nước.

Từ năm 2004, với mục tiêu hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam – Lào, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý, bảo vệ đường biên giới và hợp tác phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất chủ trương triển khai xây dựng “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào” và bắt đầu triển khai từ năm 2008 nhằm nâng cao, hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, hai bên đã phối hợp huy động trên 1.000 người tham gia; thực hiện trên 8.000 lần tiếp cận vị trí mốc, làm hàng ngàn km đường để phục vụ việc vận chuyển trên 5.000 tấn nguyên vật liệu; san ủi, giải phóng mặt bằng; đào đắp hàng chục ngàn m3 đất đá phục vụ thi công xây dựng mốc.

Nhờ đó, hiện, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào ký ngày 16/3/2016.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vấn đề biên giới lãnh thổ luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm coi trọng.

Thủ tướng cho biết, nếu như trước khi tăng dày, biên giới Việt - Lào cứ 10km mới có 1 cột mốc, thậm chí có nơi 40km mới có 1 cột mốc, hiện nay đã cố định được 1002 cộc mốc chính và các cọc dấu trên 2.337 km biên giới mà hầu hết đều nằm ở khu vực rừng núi, hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn.

Thủ tướng cho rằng, thành công này rất quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ pháp lý đường biên giới quốc gia Việt - Lào.

Hai nước đã thông qua Quốc hội hai bên về đường biên giới quốc gia và ban hành nhiều văn kiện pháp lý quan trọng để công nhận đường biên giới chung.

“Việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậv, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Công trình này là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, tình đoàn kết và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, về mặt quốc gia, quốc tế, chúng ta có đường biên giới chính xác, rõ ràng, vĩnh viễn được ghi nhận chi tiết trong hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững. Từ thành quả này, việc mở cửa giao lưu biên giới giữa nhân dân hai nước, củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới sẽ thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã tham gia công tác này, nhất là lực lượng trực tiếp cắm mốc trên thực địa, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng đánh giá cao 10 địa phương và nhân dân biên giới, đặc biệt là đồng bào dân tộc trên vùng biên giới đã giúp đỡ các đội cắm mốc hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Lào, cùng các bộ, ban ngành liên quan và nhân dân biên giới Lào - Việt đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, lực lượng liên quan của Việt Nam trong việc triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện tăng dày và tôn tạo hệ thống quốc giới Việt Nam –Lào.

Hai nước đã cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này và công trình này thực sự là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ con cháu tiếp tục kế thừa trong tương lai.

Đề cập đến tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng cho rằng, hiện tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đe dọa an ninh phi truyền thống, việc tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên xảy ra ở nhiều khu vực.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng bảo vệ biên giới quốc gia nói chung trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và giữ vững ổn định để bảo vệ hòa bình trong khu vực.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý biên giới trong tình hình mới, Thủ tướng đề nghị phát huy kết quả của công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt - Lào, các bộ, ngành địa phương tiếp tục chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân biên giới, nhất là đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn tại khu vực biên giới Việt –Lào.

Tiếp tục giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác nhưng phải đảm bảo an ninh trật tự, nhất là phòng, chống, ngăn ngừa tội phạm ma túy; ngăn chặn có hiệu quả vận chuyển trái phép ma túy từ tam giác vàng qua Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm của, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về quản lý biên giới.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía bạn Lào tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định thư về biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

Kịp thời phát hiện, báo cáo, xử lý nghiêm những hành vi phá hoại đường biên giới chung hai nước; phối hợp với nước bạn Lào để gia cố, sửa chữa, bảo vệ mốc quốc giới.

“Xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với Lào đồng thời với việc giữ gìn an ninh trật tự phòng chống tội phạm, buôn lậu, di cư tự do qua biên giới”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Cùng với đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Lào xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch vùng biên giới, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là giao thông, phát triển hệ thống cửa khẩu và hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới có đời sống tốt hơn.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa của hệ thống mốc giới trên thực địa, trong đó, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Đi đôi với đó là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng - hạt nhân quan trọng của công tác quản lý biên giới để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng biên giới.

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục