Thủ tướng Đức phản đối coi hạt nhân là năng lượng "bền vững"

11:27' - 18/11/2021
BNEWS Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà phản đối mọi kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) coi hạt nhân là năng lượng "bền vững".

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ quyết định dần loại bỏ năng lượng hạt nhân, dù bước đi này khiến Đức gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà phản đối mọi kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) coi hạt nhân là năng lượng "bền vững". Theo bà, Đức không từ bỏ việc phản đối gắn năng lượng hạt nhân là năng lượng bền vững theo phân loại ở cấp độ châu Âu, một phần vì việc lưu trữ vĩnh viễn chất thải phóng xạ vẫn chưa được làm rõ.

Theo quan điểm của nhiều đảng phái ở Đức, năng lượng hạt nhân không nên được phân loại là năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, một đạo luật như vậy ở châu Âu chỉ có thể bị bác bỏ khi có 20 nước thành viên EU phản đối. Đó là rào cản cao và khó có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, bà Merkel cũng cho biết Đức hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ rất tham vọng và đầy thách thức là hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng, trong khi dần loại bỏ điện than và điện hạt nhân.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết đầu tư tư nhân vào các nhà máy điện hạt nhân khá hạn chế trên toàn thế giới. Trong trường hợp các lò phản ứng đang được xây dựng, chi phí thường tăng đáng kể và thời gian trì hoãn kéo dài. Thủ tướng Merkel, người đã lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất EU 16 năm qua, đã thúc đẩy để nước Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản 10 năm trước, một quyết định nhận được sự đồng tình của hầu hết người dân Đức.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến Đức phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, cản trở Đức đạt mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990 vào năm ngoái. Đây cũng là nhân tố làm tăng chi phí điện năng cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Chính phủ Đức được cho là không đầu tư đủ để thúc đẩy mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời, ngay cả khi chính phủ thúc đẩy việc dần loại bỏ than đá vào năm 2038. Hiện ba đảng đang đàm phán thành lập chính phủ ở Đức muốn rút ngắn thời hạn này trước năm 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục