Thủ tướng: Hai sức ép với nền kinh tế cần vượt qua

19:56' - 03/04/2017
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hai sức ép mà nền kinh tế đất nước cần phải vượt qua trong thời gian tới là tốc độ tăng trưởng GDP và sức ép đến từ tỷ giá, lãi suất.
Sáng 3/4/2017, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, chiều 3/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2017.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hai sức ép mà nền kinh tế đất nước cần phải vượt qua trong thời gian tới là tốc độ tăng trưởng GDP và sức ép đến từ tỷ giá, lãi suất.

Kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ thêm một số điểm sáng và những tồn tại của tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong Quý I.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế tư nhân có mức đầu tư và tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng cũng đánh giá chất lượng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của khối các doanh nghiệp FDI thời gian qua đạt những kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; lĩnh vực du lịch tiếp tục đà tăng trưởng nhanh... là những tín hiệu tốt, cần khuyến khích duy trì trong thời gian tới.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh, Thủ tướng cho biết, theo con số thống kê, 65% doanh nghiệp tư nhân làm ăn có lãi, là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua; 45% doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh cho thấy những chỉ số khả quan trong cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, có 51 tỉnh, thành phố trong cả nước có chất lượng điều hành từ khá trở lên với nhiều chuyển biến trên mọi lĩnh vực, nhất là trong phục vụ doanh nghiệp, người dân và cải thiện môi trường đầu tư. Các chỉ số lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt…

Tất cả những kết quả này cho thấy, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Xây dựng kịch bản tăng trưởng từng lĩnh vực

Phân tích những thách thức mà nền kinh tế đất nước đang phải đối đầu cùng với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, thương mại, Thủ tướng chỉ ra 2 sức ép cần vượt qua đó là tăng trưởng GDP và vấn đề tỷ giá, lãi suất.

Thủ tướng nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I đạt thấp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp - động lực chính của tăng trưởng.

Từ tình hình này, Thủ tướng yêu cầu từng ngành, lĩnh vực cần có kịch bản tăng trưởng riêng, nhất là các ngành: Khai khoáng, xây dựng, cơ khí chế tạo…; đi cùng với đó là duy trì và tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, phấn đấu đạt và vượt kỳ vọng đề ra.

Đối với sức ép về tỷ giá, lãi suất, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề này đi liền với công tác kiểm soát lạm phát, vì vậy cần có biện pháp điều hành, cân đối sao phù phù hợp, đạt các yêu cầu, tiêu chí đề ra.

Nêu ra một số vấn đề xã hội đang tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân như cháy nổ, tai nạn, cát tặc, phá rừng và các nội dung khác, Thủ tướng đánh giá: Mặc dù có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt nhiệm vụ này.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, không để doanh nghiệp và nhân dân phàn nàn về thủ tục đầu tư kinh doanh, rào cản tăng trưởng kinh tế.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định mở Hội nghị doanh nghiệp lần thứ 2 để tiếp tục lắng nghe, giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp.

Chỉ đạo tăng cường quản lý nguồn lực từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác này, song Thủ tướng lưu ý cần làm nhanh nhưng không được để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; công tác tái cơ cấu tín dụng cần tiến hành mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phấn đấu giảm lãi suất để kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phát triển thị trường bất động sản đúng hướng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống của người dân, trước mắt là tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thời gian tới đây; tăng cường phòng chống tham nhũng. “Càng khó khăn chúng ta càng phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng lưu ý thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ 100 triệu dân, qua đó kích thích tăng trưởng thị trường bán lẻ ở mức hai con số. Thủ tướng đề nghị ngành Công thương cần xây dựng tốt hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Biện pháp tập trung là tăng cường chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, tránh tình trạng trì trệ trong bộ máy công chức. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp, xử lý cụ thể. “ Cùng với tháo gỡ thể chế, chúng ta phải chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về sản xuất kinh doanh để tạo nên điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các Phó Thủ tướng để giải quyết, xử lý tốt các vấn đề tồn tại của tình hình kinh tế-xã hội.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thành viên Chính phủ xây dựng chương trình cụ thể thực hiện các chủ trương của Chính phủ đã thống nhất; bám sát các công việc để chỉ đạo đạt kết quả cao nhất.

Nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cũng tại Phiên họp Chính phủ tháng 3, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan báo chí phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Viettel, FPT – những tập đoàn hàng đầu quốc gia về công nghệ thông tin cần đi đầu trong tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đất nước.

Các bộ, ngành, cần chủ động như đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”./.

>>>Năm 2017 giữ mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%

>>>Thủ tướng yêu cầu sớm bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục