Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hưng Yên cần tăng gấp 5 lần lượng khách du lịch đến 2020

20:00' - 11/12/2016
BNEWS Là một tỉnh nhỏ, nhưng Hưng Yên có đến 164 di tích lịch sử cấp quốc gia, xếp thứ 3 cả nước mà điển hình như Khu di tích lịch sử Phố Hiến, di tích cây Đa và đền thờ La Tiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Hưng Yên có một sự chuyển mình lớn sau 20 năm thành lập tỉnh, lối ra rất hiệu quả hướng đến những lợi thế của một địa phương trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, cửa ngõ Thủ đô với dân trí cao và bề dày truyền thống văn hóa không phải nơi nào cũng có được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận như vậy khi chủ trì buổi làm việc giữa các thành viên Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên chiều 11/12.

“Thứ nhất Kinh kỳ, Thứ nhì Phố Hiến”, từ nhiều đời nay, mảnh đất Hưng Yên sầm uất, địa linh, nhân kiệt nằm bên Tả ngạn sông Hồng luôn nổi tiếng bởi truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học với những danh tướng tên tuổi gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc và những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Hưng Yên nhận được những đánh giá tích cực của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc. Từ một địa phương thuộc diện nhận trợ cấp ngân sách, tỉnh đã vươn lên không ngừng tăng thu mạnh mẽ. Bởi vậy, năm 2017, dự kiến Hưng Yên sẽ đứng vào nhóm 16 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng đánh giá, mặc dù có tốc độ tăng thu cao nhưng quy mô ngân sách của Hưng Yên vẫn chưa lớn, năm 2016, tỉnh vẫn chưa đứng chân được vào câu lạc bộ 10 ngàn tỷ của cả nước.

Nổi bật trong số các kiến nghị mà Hưng Yên gửi đến Thủ tướng và Chính phủ là việc cho phép một số trường đại học được sử dụng cơ chế chuyển đổi quỹ đất ở cơ sở cũ trong nội thành Hà Nội để tạo vốn đầu tư cơ sở đào tạo về Khu đô thị đại học Phố Hiến và tỉnh Hưng Yên. Cụ thể là phê duyệt cho Đại học Giao thông vận tải, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội đầu tư xây dựng tại tỉnh và khu Đại học Phố Hiến. Đề nghị này nhận đã nhận được sử đồng ý về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ ngay tại buổi làm việc.

Góp ý với tỉnh để triển khai đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, muốn vận hành hiệu quả, Khu đô thị đại học Phố Hiến phải bao gồm đầy đủ các hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hoạt động, tránh tình trạng “có trường mà không có thầy”, “học sinh đến rồi lại đi” để tận dụng tốt lợi thế kề cận với Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi nhân dân thôn An Lạc, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gợi ý các trường đại học liên quan cần chú ý lựa chọn những ngành học, lĩnh vực nghiên cứu có tính xã hội hóa cao, để xây dựng các đề án tự chủ khi triển khai.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những lợi thế cả về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và văn hóa của Hưng Yên. Theo Thủ tướng, Hưng Yên có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng. Đặc biệt, tỉnh có nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng cả nước như nhãn lồng, gà Đông Tảo và nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho trồng trọt. Hưng Yên còn là địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp thành công, nhiều làng nghề truyền thống đa dạng, phong phú, có thể khai thác phục vụ du lịch. Nguồn nhân lực của tỉnh cũng hết sức dồi dào bởi có nhiều trường đại học trên địa bàn.

Với những ưu thế riêng của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Hưng Yên cần nhận thức tốt đặc thù của tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Vui mừng trước kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thành tựu của Hưng Yên đạt trên mức bình quân cả nước là một nỗ lực lớn, nhất là trong việc tăng thu ngân sách với mức 17%, năm 2016 đạt trên 9000 tỷ đồng.

Song, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập mà Hưng Yên cần khắc phục như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp với 44,5 triệu đồng/người, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 48 triệu đồng/người. Môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số cạnh tranh còn nhiều vấn đề.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh kiểm điểm khắc phục yếu kém trong thu hút du khách, phát triển du lịch và chỉ đạo tỉnh cần tìm phương án, phương cách xử lý bất cập này theo hướng tăng cường quảng bá hình ảnh, thúc đẩy dịch vụ, vui chơi giải trí để cải thiện nguồn thu của địa phương.

Thủ tướng gợi ý Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín, các chuỗi giá trị, phấn đấu nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt năng suất 500 triệu đồng/ha, Thủ tướng đặt vấn đề.

Đi cùng với đó, Hưng Yên cần chú ý mở rộng các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, tạo ra hệ sinh thái công nghiệp cụm, ngành có tính cạnh tranh, tránh lãng phí sử dụng đất đai trong khác Khu công nghiệp.

Đặt đề bài cho tỉnh phấn đấu tăng gấp đôi so số lượng doanh nghiệp vào năm 2020 so với hiện nay, Thủ tướng yêu cầu tỉnh nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ; cải thiện môi trường kinh doanh đang ở mức thấp như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục