Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

16:33' - 09/08/2016
BNEWS Thủ tướng cho rằng, ở Việt Nam, ở đâu cũng có thể làm du lịch nhưng với quy mô khác nhau, vấn đề là xác định đúng định hướng để đầu tư, phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Sáng 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam - di sản văn hóa thế giới, một trong 6 thành phố hấp dẫn du khách nhất châu Á.

Đây là hội nghị lớn của ngành du lịch với kỳ vọng sẽ “cởi trói”, tháo gỡ khó khăn, khắc phục bất cập trong công tác quản lý du lịch hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trọng điểm về du lịch và nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này trên phạm vi toàn quốc.

Điểm sáng của nền kinh tế

Du lịch đang là một điểm sáng với sức bật mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế xã hội đất nước từ đầu năm 2016 đến nay với 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo số liệu 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan.

Với sự bứt phá mạnh mẽ, nhất là những năm gần đây, hiện nay cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng gần 1,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 11%/năm. Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao.

Tuy nhiên, công tác xúc tiến quảng bá hạn chế về nguồn lực và hiệu quả đã dẫn đến thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam.

Cả nước mới có khoảng 2 triệu/đô-la Mỹ/năm đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch quốc gia trong khi các nước khác, con số này là khoảng 80-100 triệu đô-la Mỹ/năm. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập. Kinh doanh lữ hành bất hợp pháp còn diễn ra ở nhiều nơi; chất lượng cơ sở lưu trú chưa được kiểm soát chặt chẽ; khai thác tài nguyên du lịch thiếu bền vững; tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách, mất cắp hành lý, ăn xin, không đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm; ứng xử của người dân với du khách ở một số nơi chưa văn minh…là những lý do dẫn đến ngành du lịch chưa thể tăng tốc, trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước.

"Du lịch Việt Nam là ngôi sao cô đơn" 

Với gần 50 ý kiến phát biểu, hội nghị đã truyền tải rất nhiều thông điệp từ phía chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia du lịch và đặc biệt là những phản ánh thẳng thắn, tâm huyết của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế không khói này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại khu du lịch phố cổ Hội An. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Du lịch Việt Nam như một ngôi sao cô đơn, thiếu vắng sự kết nối của các ngành khác như: hải quan, thuế, ngoại vụ, công thương…., Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đã ví von như vậy khi nhìn nhận về thực trạng ngành du lịch Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề xuất, trên tinh thần năm quốc gia khởi nghiệp mà Thủ tướng đã kêu gọi, nên bắt đầu ngay từ lĩnh vực du lịch.

Các đại biểu đều đồng tình việc đề nghị mở rộng diện quốc gia được miễn thị thực cho khách du lịch để đạt được 3 giảm là giảm thời gian, giảm chi phí và giảm thủ tục.

Trong khi Việt Nam mới miễn thị thực cho 22 nước và vùng lãnh thổ, thì các nước trong khu vực đã miễn thị thực cho từ 60 đến gần 160 nước và vùng lãnh thổ.

Đây là một yếu tố quan trọng khiến nhiều khách du lịch dù yêu mến Việt Nam, đã quyết định đến nước khác tại Đông Nam Á thay vì Việt Nam.

Các địa phương cũng đề xuất Chính phủ có giải pháp, cho phép triển khai các hoạt động du lịch sau 24h. Phân tích từ thực tế 70% khách quốc tế đến Việt Nam đã không quay trở lại, mà một trong số các nguyên nhân chính là không có nhà vệ sinh, đại diện lãnh đạo các địa phương cho biết sẽ chú trọng việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng.

Đây là vấn đề lâu nay chúng ta coi đó là “công trình phụ”, nhưng lại là mối quan tâm lớn, là nỗi phiền muộn của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế khi đi du lịch tại Việt Nam.

Đề cập đến ý nghĩa của hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phải coi đây là cơ hội tái cơ cấu mạnh mẽ lại ngành du lịch trong tổng thể tiến trình tái cơ cấu kinh tế của đất nước.

Do đó, phải coi du lịch là ngành kinh tế dịch vụ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có tính liên ngành, liên vùng, trong dó, vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng là rất quan trọng.

Du lịch Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Dành thời gian lắng nghe, trao đổi với các đại biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa vật thể và phi vật thể hấp dẫn, người dân Việt Nam mến khách, nhân văn và an ninh, chính trị đất nước an toàn, ổn định là những là điều kiện quan trọng để phát triển ngành du lịch.

Thủ tướng cho rằng, ở Việt Nam, ở đâu cũng có thể làm du lịch nhưng với quy mô khác nhau, vấn đề là xác định đúng định hướng để đầu tư, phát triển.

Đánh giá cao chủ trương của tỉnh Khánh Hòa đã di dời toàn bộ trụ sở hành chính khỏi tuyến đường đẹp nhất Nha Trang để ưu tiên cho phát triển du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh muốn du lịch phát triển cần có sức mạnh cả cộng đồng người dân và đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu.

Khẳng định, ở Việt Nam không có phố đèn đỏ, không kinh doanh casino tràn lan, tuy nhiên Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Chính phủ đã đầu tư 200 tỷ đồng để Bộ Công an xây dựng và triển khai quy trình cấp visa điện tử, thực hiện từ 1/1/2017, Thủ tướng cho biết.

Tán thành với quan điểm của hội nghị, đánh giá sự phát triển của Du lịch Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ thực hiện bằng được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng phân tích cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân trong phát triển du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh; phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch chất lượng cao, hiện đại, mang tính dân tộc, độc đáo.

Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sử dụng chủ yếu cho xúc tiến quảng bá; đầu tư phát triển sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực thể chế ngành du lịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại nước ngoài; rà soát, đánh giá hiệu quả của các hội chợ du lịch, các lễ hội du lịch trong cả nước, nhất là các hội chợ du lịch quốc tế; tập trung nguồn lực tổ chức hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm trong năm, tránh dàn trải, hình thức.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch.

Đảm bảo vệ sinh, trật tự, tuyên truyền, phát động phong trào ứng xử văn minh tại các sân bay; cải tiến quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện tại các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, tổ chức thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch; giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch hiện nay, nhất là hướng dẫn viên du lịch các ngoại ngữ hiếm.

Nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của truyền thông, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch.

Trước khi dự Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng đã đi bộ, trò chuyện với du khách, người dân ở Phố cổ Hội An/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục