Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Chiều 2/7, tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ cùng với Thủ tướng có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự hội nghị tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện phương châm “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân, doanh nghiệp hưởng thành quả thật) và “3 không” (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).Các đại biểu tập trung bàn các vấn đề trên tinh thần những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương thì địa phương giải quyết; những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành thì Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm giải quyết; vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ thì tổng hợp, đề nghị, trình cấp có thẩm quyền giải quyết, quyết định.
Tại hội nghị, sau khi nghe dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm đánh giá về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm rút ra trong 6 tháng đầu năm và phân tích, dự báo tình hình, đề xuất các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, lãnh đạo các địa phương cho rằng mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2021 tình hình phát triển kinh tế-xã hội gặp bất lợi do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên đạt được kết quả khá.Các địa phương đồng tình và quyết tâm thực hiện 13 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, phấn đấu đạt các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Các địa phương cũng đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục để đẩy mạnh giải ngân và triển khai các dự án, công trình trọng điểm tại các địa phương; đẩy mạnh tìm nguồn, tăng phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho các địa phương, nhất là địa phương có đông công nhân, nhiều khu công nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đạt được một số chỉ tiêu quan trọng: các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%); thu ngân sách đạt gần 58% dự toán; an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường…Những thành quả đó góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng vẫn còn có một số hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, song chưa vững chắc; giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA vẫn chậm; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương; sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân một số nơi còn khó khăn; an ninh, trật tự tiềm ẩn nguy cơ... Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thành công trong 6 tháng vừa qua như: nghiêm túc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị; huy động được sức mạnh đại đoàn kết và truyền cảm hứng để nhân dân vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ.Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, một phần do vẫn còn một bộ phận nhân dân, địa phương lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, song cũng có người, địa phương mất bình tĩnh, lúng túng khi có dịch nên đưa ra các giải pháp thiếu hiệu quả; một số người đứng đầu chưa bao quát hết công việc, chưa sâu sát, quyết liệt trong công việc; việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa triệt để, nên gây ách tắc, tạo nhiều khâu trung gian, trách nhiệm giữa các cấp, ngành có lúc không rõ, gây kém hiệu quả, hiệu lực điều hành, giải quyết công việc; việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách vẫn còn lúng túng, chưa quyết liệt; chưa huy động được nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả, trong khi dư địa còn rất lớn…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra bài học kinh nghiệm là: Biết kế thừa những thành quả, bài học hay, kinh nghiệm quý của những năm trước, người đi trước và áp dụng linh hoạt, phát triển phù hợp với tình hình mới; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nội bộ, trong từng ngành, các địa phương và đoàn kết toàn dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của người đứng đầu sát với tình hình thực tế và đưa ra những giải pháp phù hợp; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời… Về phương hướng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình có cả thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.Do đó, các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, phấn đấu cao hơn, lấy khó khăn thách thức là động lực, mục tiêu phấn đấu để trưởng thành, phát triển và chủ động xây dựng kịch bản phù hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chưa điều chỉnh mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và Quốc hội đã giao; tiếp tục điều hành linh hoạt 2 kịch bản tăng trưởng là 6% và 6,5%. Các địa phương căn cứ vào các mục tiêu chung của cả nước để xây dựng kịch bản phù hợp với địa phương mình. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương kiên trì, cương quyết thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, song phải hài hòa, hợp lý, hiệu quả, căn cứ tình hình từng lúc, từng nơi để thực hiện ưu tiên phòng chống dịch hay phát triển kinh tế hoặc là tiến hành đồng thời.Trên cơ sở đó đề nghị phát huy cao nhất tính chủ động, tích cực, linh hoạt trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không chông chờ, ỉ lại; Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện mục tiêu kép; Không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, văn hóa, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trước hết, trên hết.
Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn; cá thể hóa trách nhiệm mạnh hơn; tăng cường giám sát, kiểm tra; chống quan liêu, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, Trung ương chỉ tập trung quản lý vĩ mô, với tinh thần biết đến đâu quản lý đến đó; phân cấp, phân quyền quản lý mạnh cho cơ sở. Về những giải pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Những địa phương đang có dịch phải ưu tiên cho phòng, chống dịch, với tinh thần phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dập dịch tích cực, sớm ổn định tình hình; xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, không phân tán nguồn lực và thiếu tập trung, xử lý không dứt điểm; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát những vướng mắc về thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận tiện, hiệu quả nhất; không để đứt gẫy chuỗi cung ứng và nguồn lao động trong nước và ngay tại từng địa phương; thúc đẩy đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, nếu có vướng mắc thì cần tháo gỡ ngay; tăng cường chuyển đổi số; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; triển khai các biện pháp tăng thu và giảm chi ngân sách Nhà nước; đẩy manh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để người dân phải lo an toàn, an ninh; tăng cường thông tin, truyền thông, truyền cảm hứng để người dân đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép; tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật…/.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng
12:07' - 02/07/2021
Kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh trong quý III/2021. Từ đó, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV/2021.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế
20:24' - 01/07/2021
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giữ nguyên hai kịch bản là tăng trưởng 6% hoặc 6,5%.
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm
19:54' - 01/07/2021
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chính sách áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế không rập khuôn, có chọn lọc
21:04'
Chiều 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh P4G: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp
20:43'
Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác công – tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: CCSEZR đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho Chính phủ Việt Nam
20:42'
Chiều 17/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế (CCSEZR), Đại học Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư
20:23'
Sau bốn ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16
19:51'
Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thành dứt điểm mục tiêu ổn định dân cư vùng tái định cư Thủy điện Sơn La
18:46'
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển, nâng cao đời sống cho đồng bào di dân nhường đất cho dự án thủy điện Sơn La là nhiệm vụ ưu tiên.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành Dầu khí tiếp tục phát huy truyền thống của người đi tìm lửa
18:40'
Chiều 17/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn đại biểu người lao động tiêu biểu của ngành Dầu khí..
-
Kinh tế Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tạo bứt phá trong quản lý doanh nghiệp nhà nước
18:21'
Chiều 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu thúc đẩy phát triển bền vững
18:07'
Giáo sư Reena Marwah thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ), đã có bài phân tích về việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2025.