Thủ tướng: TPHCM gánh vác trọng trách và sứ mệnh trong chuyển đổi công nghiệp
Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM", chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện các nước, các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Phiên đối thoại chính sách được diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi sâu rộng với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên…
Theo Thủ tướng, chủ đề của Diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng, vừa phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh của TPHCM, vừa là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Do đó, Diễn đàn rất có ý nghĩa với TPHCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế.
Chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu
Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách tạo đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, nhất là chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", Đảng đã có chủ trương, đường lối về chuyển đổi kinh tế, trong đó Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định và có Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã và đang hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Chính phủ phải nắm chắc tình tình, phân tích, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình và tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới.
Cho biết, việc chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội; nâng cao năng lực quản trị; đào tạo nguồn nhân lực; huy động sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đất nước, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, muốn phát triển khoa học, công nghệ, trước hết phải phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ. Do đó, Đảng xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và thúc đẩy thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Từ nhận thức đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng pháp luật, các cơ chế, chính sách, các chương trình…; huy động nguồn lực vào phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là phát triển thị trường khoa học công nghệ; có giải pháp về cán bộ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì đất nước vì nhân dân.
Trước câu hỏi về việc Chính phủ đã làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… khiến vấn đề phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy và Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề môi trường tác động đến mọi người dân, mọi quốc gia nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của người dân và có chính sách huy động sự tham gia của người dân phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trả lời câu hỏi về tiến trình của Trung ương, địa phương thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay Trung ương đang làm chính sách, đường lối, cơ chế, luật pháp, chương trình, kế hoạch; đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, huy động nguồn vốn… cho vấn đề này. Còn địa phương phải chủ động thực hiện theo thẩm quyền để thực hiện theo chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, vận dụng một cách tốt nhất phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng cho biết, phải thực hiện chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng phát thải nhiều carbon sang năng lượng sạch, năng lượng xanh, trong đó có lộ trình chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than thay bằng năng lượng lượng nguyên tử, điện gió, điện mặt trời, hydrogen, điện sinh khối, khí hóa lỏng… Việt Nam đã ban hành và thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng nói trên; ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp và sắp ban hành trong tuần tới nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà.
Cho biết, Việt Nam cũng quan tâm phát triển giao thông xanh, xe điện, vận tải ít phát thải; thúc đẩy xây dựng các dự án lớn về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang làm rất tích cực và cần sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, như các nước G7 hỗ trợ Việt Nam thông qua quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).
Về câu hỏi đối với chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để phát triển Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó có nguồn lực từ FDI. Vì các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đưa vào Việt Nam tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để giảm chi phí logistics, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhân lực cho các ngành mới nổi…, với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản lý phải thông minh".
Xây dựng chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TPHCM
Phát biểu chỉ đạo, kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh TPHCM tổ chức thành công Diễn đàn lần thứ 5 với khoảng 1.500 đại biểu từ nhiều quốc gia, nhiều ngành, diễn đàn lần sau tốt hơn, toàn diện hơn, nhiều người tham gia hơn lần trước; cảm ơn các đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước tới tham gia, cổ vũ cho Diễn đàn.
Đặt vấn đề "tại sao phải chuyển đổi", Thủ tướng cho rằng tình hình thay đổi thì phải có cách ứng xử phù hợp tình hình, thích ứng với tình hình để tiếp tục phát triển đi lên. Muốn có chính sách, giải pháp hiệu quả thì phải nắm chắc tình hình, dù tình hình hiện nay phức tạp, khó lường, khó định đoán.
Về bối cảnh tình hình hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới có thể đánh giá khái quát: Về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Thế giới đang đối mặt những vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để giải quyết, trong đó có vấn đề chuyển đổi, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Về vấn đề TPHCM và Việt Nam đã, đang chuyển đổi như thế nào, Thủ tướng cho biết đến nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam xác định 3 yếu tố nền tảng, trụ cột gồm xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.
Cùng với đó, Việt Nam cũng xác định các định hướng lớn:
Thứ nhất, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Thứ ba, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Thực hiện chính sách quốc phòng "4 không".
Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thứ năm, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất.
Thứ sáu, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng cho biết, trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam thì có nội dung chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Về kết quả đã đạt được của TPHCM và Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, Thủ tướng nhắc đến một số con số như quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới theo đánh giá của WB, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong 6 tháng năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%, ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.
Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Qua tham dự Diễn đàn, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TPHCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, mang thương hiệu ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của TPHCM, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, TPHCM nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Muốn làm được điều này, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, mà trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua TPHCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TPHCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.
Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng TPHCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TPHCM vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
TPHCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TPHCM và của Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế…
Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TPHCM và Việt Nam về: Ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng cho rằng, trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là các chủ thể cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cung làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Thủ tướng tin tưởng sau Diễn đàn này, các đại biểu đều thu hoạch được nhiều điều, trong đó cái được lớn nhất là sự chân thành, tình cảm và tin tưởng để trao đổi thẳng thắn, góp ý với tinh thần xây dựng.
Thủ tướng đề nghị TPHCM và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
- Từ khóa :
- thủ tướng phạm minh chính
- tphcm
- kinh tế tphcm
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Long An chuẩn bị sẵn sàng cho dự án đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh
09:00' - 26/09/2024
Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, địa phương đang tập trung cho khâu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, đảm bảo thực hiện tốt việc đầu tư khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
-
Kinh tế & Xã hội
Xử lý ổn định các vị trí lún, nứt ven đường Hồ Chí Minh qua Đắk Nông
17:57' - 25/09/2024
Các đơn vị cơ bản hoàn thành việc san gạt, đào và di chuyển các khối đất tại các vị trí lún, nứt ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
-
Đời sống
Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận một trường hợp tử vong do não mô cầu
17:54' - 25/09/2024
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tại Thành phố vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do não mô cầu thể tối cấp.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2024
10:37' - 25/09/2024
Sáng 25/9, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã khai mạc Diễn đàn kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Tp. Hồ Chí Minh".
Tin cùng chuyên mục
-
Ý kiến và Bình luận
Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp
18:29' - 23/11/2024
Ngày 23/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
-
Ý kiến và Bình luận
Truyền thông Mỹ nhận định Việt Nam có cơ hội kinh doanh lớn trong thời gian tới
18:37' - 21/11/2024
Theo trang forbes.com (Mỹ), nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn lớn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội kinh doanh lớn hơn nữa dưới thời chính quyền Trump 2.0.
-
Ý kiến và Bình luận
Morgan Stanley: Chính sách thuế của Donald Trump sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ
06:00' - 21/11/2024
Ông Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào năm 2026.
-
Ý kiến và Bình luận
Công nghệ AI dự báo sẽ tạo ra 680 tỷ USD cho ngành viễn thông
18:18' - 20/11/2024
Trong 15-20 năm tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ước tính sẽ mang lại tới 680 tỷ USD cho ngành viễn thông.
-
Ý kiến và Bình luận
UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa sức khỏe trẻ em
08:23' - 20/11/2024
Sự biến động về nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến tương lai ảm đạm cho thanh thiếu niên vào giữa thế kỷ 21.
-
Ý kiến và Bình luận
Ukraine thông qua ngân sách 2025 với khoản chi kỷ lục cho quốc phòng
08:14' - 20/11/2024
Quốc hội Ukraine đã thông qua toàn bộ luật về ngân sách quốc gia năm 2025, trong đó chi ngân sách năm tới được quy định ở mức kỷ lục 3.940 tỷ hryvnia (hơn 95 tỷ USD).
-
Ý kiến và Bình luận
Australia: Dự luật giới hạn số lượng sinh viên quốc tế có nguy cơ thất bại
08:41' - 19/11/2024
Liên minh hai đảng Tự do và Quốc gia (Liên đảng) cùng đảng Xanh của Australia ngày 18/11 đã lên tiếng phản đối dự luật giới hạn số lượng sinh viên quốc tế.
-
Ý kiến và Bình luận
Mô hình nào cho phát triển kinh tế cửa khẩu?
20:41' - 18/11/2024
Thời gian tới cần định dạng lại mô hình khu kinh tế cửa khẩu thành mô hình khu kinh tế phát triển toàn diện đa chức năng.
-
Ý kiến và Bình luận
Albemarle: Phương Tây khó từ bỏ nguồn cung từ Trung Quốc
12:22' - 18/11/2024
Albemarle, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới nhận định việc phương Tây xây dựng chuỗi cung ứng lithium riêng tại Bắc Mỹ và châu Âu để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là không khả thi về mặt kinh tế.