Thú vị nghề đẩy lưới xúc rận nước

10:18' - 14/09/2020
BNEWS Khi con nước từ thượng nguồn đổ về, bên cạnh việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt, người dân đầu nguồn Đồng Tháp còn kiếm thêm thu nhập từ một loài giáp xác nước ngọt, nhỏ li ti, đó chính là rận nước.

Năm nay, việc khai thác rận nước cũng khó khăn hơn, bởi hiện tại, mực nước tràn đồng khá thấp, người dân phải linh hoạt với những dụng cụ phù hợp với con nước thấp để bắt rận nước.

Bình minh bắt đầu ửng sáng, trên cánh đồng biên giới tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng anh Võ Văn Hơn ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự lại tất bật cho những lượt đẩy lưới cuối cùng.

Hơn 20 năm trong nghề, anh Hơn cho biết, mỗi khi vào mùa nước nổi, hàng ngày, vợ chồng anh lại ngược xuôi từ đồng này sang đồng khác để “hành nghề”.

Dù đây không phải là nghề chính nhưng cũng giúp gia đình có thêm khoảng thu nhập trang trải cuộc sống trong những tháng lũ về.

Anh Hơn chia sẻ, rận nước là sinh vật phù du thường có nhiều ở ao hồ, trũng nước hay những cánh đồng ngập lũ, nước không chảy xiết.

Nếu như các năm trước, vào thời điểm này, mực nước trên đồng lên cao, bà con có thể dùng ghe, xuồng và tận dụng sức máy để kéo rận nước trên cánh đồng rộng.

Nhưng năm nay nước thấp, mới chỉ tràn một số cánh đồng ở “khu vực lòng chảo” hoặc khu vực bãi bồi nên địa bàn hoạt động của bà con cũng thu hẹp. Mặc khác, phải dùng vợt đẩy bằng tay để ứng phó với những đồng cạn.

Anh Hơn hướng dẫn tận tình, theo kinh nghiệm, muốn biết nơi nào có nhiều rận nước phải dùng một chiếc vợt nhỏ để thăm dò.

Sau đó, dùng vợt lưới có đường kính miệng lớn, dài hơn chục mét để kéo; lưới kéo rận nước được may bằng lưới cước mỏng, mềm và rất nhặt. Giữa vợt có một giàn lượt, ngăn rong tảo lọt vào, chỉ rận nước mới lọt qua. Cuối lưới vợt có miệng cột chặt, khi kéo xong mở xổ lưới ra, đổ rận nước vào thùng.

Rận nước còn gọi là con đỏ hay trứng nước, là một loài giáp xác nước ngọt, nhỏ li ti. Mùa nước nổi mang theo lượng phù sa về đồng ruộng cũng là mùa rận nước sinh sôi, nảy nở nhiều hơn.

Đây là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao dành cho các loại cá giống, cá bột nên được các thương lái tìm mua.

Với tay đong rận nước giao cho thương lái, chị Võ Thị Kim Thoa ở xã Long Khánh A nói, cứ tờ mờ sáng là việc thu hoạch rận nước đã hoàn tất.

Công việc này đúng kiểu “lấy công làm lời”, tuy không đầu tư nhiều, ít tốn chi phí, nhưng đổi lại, người làm nghề phải ngâm mình trong dòng nước và sử dụng sức để đẩy hay kéo.

Theo chị Thoa, đa phần công việc dưới nước đẩy lưới đánh bắt sẽ do đàn ông đảm nhận. Sau khi đẩy lưới, rận nước được các chị phân chia vào trong cái túi ni-lon có khối lượng định sẵn, khoảng 1 - 2 kg/túi giao cho thương lái đi tiêu thụ các nơi trong và ngoài tỉnh.

Chị Thoa nói thêm, rận nước kéo lên bờ phải đong ngay vào túi, rồi dùng nước đá đông lạnh, để không bị ương. “Thứ này dễ ương lắm!”.

Hiện giá bán 5.000- 6.000 đồng/kg, với 2 công lao động, mỗi ngày gia đình chị cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng.

Anh Nguyễn Trường Sơn huyện Hồng Ngự nhớ lại, thời điểm này các năm trước, anh đã có mặt trên cánh đồng Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự để tìm rận nước mưu sinh.

Bởi “khi con nước tràn đồng và ngập đến thắt lưng mới là thời chính vụ của con rận nước. Sản lượng khi đó nhiều, có ngày thu nhập khoảng 1 triệu đồng! Giờ thì làm chờ nước”.

Với người dân miền Tây, 3 tháng mùa nước nổi không còn là nỗi lo, trái lại bà con mong con nước thượng nguồn đổ đồng để bắt đầu mùa mưu sinh bằng nghề “hạ bạc”, nghề xúc trứng nước.

Dẫu còn lắm nhọc nhằn nhưng có thể nguồn thu nhập đáng kể cho bà con ở vùng đầu nguồn trong những tháng nông nhàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục