Thư viện Quốc gia Việt Nam - một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

06:46' - 28/11/2017
BNEWS Cách đây tròn 100 năm, ngày 29-11-1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Trung ương Đông Dương - tiền thân của Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay được thành lập.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với sự ra đời của hoạt động thư viện Việt Nam.

Thư viện khoa học tổng hợp lớn nhất cả nước

Ngày 29-11-1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Trung ương Đông Dương được thành lập, nhưng đến ngày 1-9-1919, thư viện lần đầu tiên mở cửa phục vụ bạn đọc. Năm 1935, thư viện được đổi tên thành Thư viện Pierre Pasquier. Sau Cách mạng Tháng Tám, Thư viện Pierre Pasquier được đổi tên thành Quốc gia Thư viện và chính thức được mang tên Thư viện Quốc gia từ năm 1958.

Ban đầu Thư viện Trung ương Đông Dương chỉ có vốn sách ít ỏi (chừng 5.000 cuốn), chủ yếu là sách bằng tiếng Pháp và một số ít là bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Qua nhiều năm tháng, kho sách lớn dần, đến thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, kho sách của thư viện đã lên tới mấy chục vạn cuốn.

Từ năm 1954 đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam trở thành một thư viện khoa học tổng hợp lớn nhất Việt Nam với khoảng gần 2,5 triệu đơn vị tư liệu ngôn ngữ đa dạng.

Thư viện quốc gia phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc đến nghiên cứu, học tập, giải trí mỗi ngày. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong vốn di sản văn hiến to lớn đó, có các bộ sưu tập tư liệu quý từ thế kỷ XVII đến nay như 5.280 bản Hán Nôm viết tay; 68.500 tư liệu Đông Dương, trong đó có 1.700 loại báo - tạp chí...; gần 10.000 bộ sưu tập (báo, tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Ngoài ra, trong kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam còn nhiều tài sản quý, bao gồm hơn 5 triệu trang tư liệu đã được số hóa; gần 500.000 tư liệu nước ngoài thông qua trao đổi, nhận biếu, tặng từ các thư viện, cơ quan thông tin, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và ở Việt Nam...

Về giá trị của kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam phải kể đến kho sách quý hiếm có một không hai: Đó là kho sách bằng chữ Pháp và chữ Latinh cùng kho báo, tạp chí trước năm 1954 (còn gọi là kho báo tạp chí Đông Dương).

Sách, báo trong kho tư liệu này có hàng vạn cuốn cực kỳ có giá trị, nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, y học, khảo cổ học, nông - lâm nghiệp, khai khoáng của vùng đất Đông Dương và rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của nhiều học giả người Pháp, trong đó đáng chú ý có những cuốn được in cách đây vài thế kỷ.

Hiện tại, Thư viện Quốc gia Việt Nam còn lưu giữ trên 1.700 tên báo, tạp chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt trước năm 1954, trong đó có nhiều loại tồn tại trên, dưới một thế kỷ, vẫn rất quen thuộc, hữu ích với các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước…

Cùng với đó là bộ phận sách tiếng Việt lưu giữ phần lớn ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ của nước ta từ khi có nghề in typô ở Việt Nam (1862).

Đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin

Năm 1985, Thư viện Quốc gia là thư viện đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, tiến hành nghiên cứu: chọn lựa phần mềm, tạo lập format cho các biểu ghi thư mục, các loại cơ sở dữ liệu, kết nối mạng LAN, hướng dẫn các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai mạnh mẽ việc tin học hoá công tác thư viện, trở thành hệ thống thư viện có mạng thông tin mạnh trong cả nước.

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào thực tiễn thư viện Việt Nam như: Biên mục đọc máy (MARC21), Khung phân loại Thập phân Dewey (DDC), Quy tắc biên mục Mô tả và truy cập tài nguyên (RDA), thực hiện tốt mục tiêu thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ, hội nhập.

Năm 2003, công tác số hóa tài liệu tại TVQG được khởi động và thực hiện cho đến nay. Những năm gần đây, công tác số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số được đẩy mạnh với các dự án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư.

Đến nay, Thư viện đã tự tạo lập được nguồn lực thông tin số rất lớn, bao gồm các cơ sở dữ liệu toàn văn: Luận án Tiến sĩ (4.500.000 trang số hóa), Sách Hán Nôm (147.955 trang số hóa), Sách Đông Dương (759.372 trang số hóa), Báo, tạp chí Đông Dương (283.841 trang số hóa), Sách tiếng Anh viết về Việt Nam (92.520 trang số hóa), góp phần chia sẻ tài nguyên thông tin-thư viện với các thư viện trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, Thư viện đã và đang nỗ lực phát triển đa dạng dịch vụ cho các nhóm đối tượng, tổ chức được nhiều phòng đọc có không gian mở, không gian phức hợp, tiện nghi, hiện đại, thiết kế phù hợp nhiều nhu cầu khác nhau từ đọc sách, học tập, làm việc nhóm, trải nghiệm văn hóa, ví dụ: Phòng đọc cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân mở cửa năm 2010, Không gian chia sẻ S.hub khai trương năm 2016, Thư viện Văn hóa thiếu nhi mới đi vào hoạt động tháng 11-2017.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Thư viện đã chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan thư viện, thông tin trên thế giới, nâng cao vị thế ngành thư viện Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tính trung bình mỗi ngày, Thư viện phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc đến nghiên cứu, học tập, giải trí tại trụ sở thư viện và trên 6.500 lượt bạn đọc truy cập trực tuyến qua website của Thư viện.

Thư viện Quốc gia Việt Nam tròn tuổi 100, ngày càng khẳng định là nơi chứa “rừng sách - rừng tri thức”, lưu giữ “di sản văn hóa thành văn” lớn nhất đất nước, là địa chỉ yêu mến, tin cậy của đông đảo trí thức, học giả, các nhà nghiên cứu, sinh viên, công chức, viên chức của Thủ đô Hà Nội và của cả nước./.

>>> Khai trương thư viện văn hoá thiếu nhi theo mô hình phức hợp đầu tiên tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục