Thừa Thiên - Huế chi hơn 35,8 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá đánh bắt xa bờ

12:04' - 03/09/2018
BNEWS UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định cấp hơn 35,8 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá tại các địa phương ven biển tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa (đợt II/2018).
Thừa Thiên - Huế chi hơn 35,8 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá đánh bắt xa bờ. Ảnh minh hoạ: Nguyên Lý - TTXVN

Theo đó, huyện Phú Vang được hỗ trợ 25,975 tỷ đồng, huyện Phú Lộc 9,75 tỷ đồng, thành phố Huế 425 triệu đồng và thị xã Hương Trà 350 triệu đồng để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Tỉnh yêu cầu các địa phương quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, nội dung quy định tại Thông tư số 16/2012/TTLT-BNN-BQP-BTC ngày 11/4/2012 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chi hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng (đợt 1) để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, thành phố Huế và thị xã Hương Trà.

Cụ thể, huyện Phú Vang được hỗ trợ hơn 10,9 tỷ đồng; huyện Phú Lộc hơn 4,76 tỷ đồng; thành phố Huế và thị xã Hương Trà được hỗ trợ 500 triệu đồng. chi hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP (Nghị định 67) về chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu cá; trong đó có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV. Tổng dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại gần 182 tỷ đồng; trong đó, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng.

Huyện Phú Vang là địa phương đóng mới tàu đánh cá xa bờ mạnh nhất, nâng tổng số tàu đánh cá xa bờ của huyện lên đến nay 170 tàu cá. Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 không chỉ giúp ngư dân trên địa bàn huyện đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, mở rộng vùng hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ tại các ngư trường truyền thống mà còn kéo theo lượng tàu phục vụ hậu cần nghề cá cũng được nâng cấp, cải hoán giúp cho việc đánh bắt xa bờ được dài ngày hơn, nhờ đó sản lượng khai thác hải sản của huyện đã tăng lên và đạt cao nhất toàn tỉnh.

Theo đánh giá chung, ngư dân dễ dàng tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67. Các địa phương trong tỉnh và ngành ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ, đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời tích cực hướng dẫn ngư dân điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá xa bờ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn, vươn khơi bám biển...

Tỉnh hiện có 40 tàu được đóng theo nghị định 67. Ngư dân đã quen dần vay vốn lớn để đóng tàu lớn để ra khơi đánh bắt xa bờ, bám biển, đảm bảo chủ quyền của đất nước, phát triển nghề cá của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.../.

>>>Tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục