Thừa Thiên - Huế phát triển tài nguyên rừng

13:06' - 26/03/2018
BNEWS Những năm gần đây, nhờ làm tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 56,3%, thuộc nhóm cao nhất trong cả nước.
Thừa Thiên - Huế phát triển tài nguyên rừng. Ảnh minh họa: Dương Giang - TTXVN

Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 348.837 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp (283.000 ha đất có rừng và 70.831 ha rừng trồng). Trong số 283.000 ha đất có rừng thì có 212.170 ha rừng tự nhiên.

Năm 2018, Thừa Thiên - Huế tiếp tục quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững và sử dụng hợp lý đất lâm nghiệp.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định mục tiêu là phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn với quy hoạch phát triển đô thị để tạo không gian xanh về môi trường, phát triển đô thị xanh; bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, nhằm lưu giữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; xã hội hóa nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sinh sống ở miền núi, vùng đệm; phấn đấu độ che phủ của rừng toàn tỉnh vào năm 2020 đạt 57%.

Năm 2018, tỉnh phấn đấu trồng mới 7.000ha rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích khoảng 30.000ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.000ha rừng. Tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng tham gia chứng chỉ rừng FSC với khoảng 5.971,7ha rừng.

Theo ông Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, để thực hiện mục tiêu, biện pháp của ngành là phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất rừng; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và vận động nhân dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng, ven rừng tham gia tích cực bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, tập thể, cộng đồng và hộ gia đình sử dụng cho mục đích lâm nghiệp lâu dài ổn định; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các thành phần kinh tế vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân miền núi, cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng; đồng thời, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trọng, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp, thời gian qua việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tuy đạt được những thành công, song mới tập trung vào khâu sản xuất, cung cấp giống, quy trình lâm sinh, chăm sóc rừng mà chưa có các tư vấn hỗ trợ về quy hoạch sử dụng đất quy mô hộ gia đình, trang trại.

“Thời gian tới, các khu rừng đặc dụng trên địa bàn cần tiếp tục được bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng để vừa bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa; trong đó, tỉnh xác định loài cây được chọn phục vụ trồng rừng đặc dụng, như lim xanh, sến, muồng đen”, ông Trọng nhấn mạnh.

Mặc dù việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có chuyển biến tích cực, song tình hình quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế và diễn biến phức tạp.

Nhất là việc quản lý rừng của các chủ rừng chưa chặt chẽ và việc tuần tra kiểm soát thiếu thường xuyên nên vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra 56 vụ xâm lấn rừng trong năm vừa qua với tổng diện tích 9,79 ha; qua phát hiện, các ngành chức năng đã xử phạt hành chính 44 vụ với số tiền 152 triệu đồng; khởi tố 1 vụ án hình sự phá 0,28 ha rừng đặc dụng do UBND phường An Tây (thành phố Huế) quản lý...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục