"Thuần hóa" rau rừng thành hàng hóa

21:01' - 27/02/2017
BNEWS Rau Bò Khai là một loại rau rừng, thân mềm, khi xào lên ăn có vị mát, bùi, có mùi thơm đặc trưng rất riêng.
Ông Tượng đang chọn thu hoạch Bò Khai. Ảnh: Vũ Hoàng Giang TTXVN

Đã từ lâu, rau Bò Khai là một món ăn quen thuộc đối với người dân Bắc Kạn. Nhưng trước kia không phải lúc nào cũng có thể tìm được loại rau này được bày bán vì khó thu hoạch. Rau phải hái ở trên rừng, thậm chí trên núi đá cao, hoàn toàn tự nhiên. Còn bây giờ loại rau độc đáo này đã được ông Nông Văn Tượng ở thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông ‘thuần hóa’, đem từ rừng về trồng đại trà tại vườn nhà.

Người dân xã Nguyên Phúc hay gọi vui ông là "Tượng Bò Khai", vì hơn chục năm nay ông Tượng say mê nghiên cứu, tìm hiểu và trồng rất nhiều loại cây này tại vườn nhà. Vườn nhà ông rộng gần 1 ha, chỉ trồng một loại rau này với số lượng lên tới 1 vạn gốc.

Ông Tượng khoe với chúng tôi rằng ở Bắc Kạn cứ ở đâu có loại rau Bò Khai là ông đi sưu tầm, mang về trồng tại vườn. Bây giờ vườn nhà ông có 5 loại rau Bò Khai khác nhau, như rau có màu tía ở Chợ Đồn, màu bạc ở Ngân Sơn, màu xanh của giống rau Bò Khai bản địa…

Năm 1993, thấy đồng bào dân tộc Dao bán loại rau này ở chợ nhiều với lời quảng cáo hấp dẫn "Rau hái ở đầu rừng, ăn ngọt và mát lắm”. Ông Tượng mua về ăn và trồng thử. Ban đầu là phục vụ gia đình, sau số lượng bắt đầu nhiều thì ông mang bán cho người dân xung quanh. Kể từ đó, mỗi năm ông đều trồng thêm những gốc Bò Khai và đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Bán rau ra thị trường đã hơn 7 năm, lượng rau ngày trước chủ yếu là bán lẻ tại chợ nông thôn, thỉnh thoảng có dịp đi xa ông mới mang rau bán ở thành phố Bắc Kạn. Có những hôm không bán hết, ông lại phải mang rau về đến ngày hôm sau để bán. Còn bây giờ, cái tên "Tượng Bò Khai" đã được nhiều người biết đến, rau Bò Khai của ông không chỉ được bán lẻ ở Bắc Kạn mà còn được nhiều nơi tìm mua như Hà Nội, Thái Nguyên. Vào vụ thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 9 Âm lịch, một tuần ông hái và bán được trên dưới 30 kg rau. Giá một cân rau bán ở Bắc Kạn là 35.000đ, còn nếu gửi về bán cho những cửa hàng rau sạch ở Hà Nội lên đến 60.000đ. Cả vườn rau cho ông thu nhập mỗi năm trên 40 triệu đồng.

Kể về những khó khăn của những ngày đầu trồng rau, ông Tượng tâm sự: Những ngày đầu tiên do chưa có kinh nghiệm gì về loại cây này nên khi trồng cây chết nhiều. Nguyên nhân là do khi vừa lấy cành về ông đã trồng thẳng xuống đất mà không qua một công đoạn xử lý nào. Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, ông đã biết cách xử lý để cây có thể thích nghi và phát triển. Thay vào đó giống cây mới lấy về phải được giâm dưới lòng đất khoảng 1 năm, đến lúc cây đâm rễ, ra mầm non thì mới đủ điều kiện mang đi trồng. Để cây không bị chết do ảnh hưởng từ thời tiết, ông Tượng trồng xen kẽ với cam, mít nhằm tạo bóng mát cho cây Bò Khai.

Mặc dù đã trồng rau Bò Khai từ nhiều năm nay, nhưng theo ông Tượng để chăm sóc rau một cách tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động nên hoàn toàn là rau sạch nhưng năng suất cây không cao, bởi vậy ông mong muốn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để có thể nâng cao năng suất cây trồng vừa đảm bảo nguồn rau sạch.

Năm 2016, tổ chức ChildFun Việt Nam chi nhánh ở Bắc Kạn đã tới và hỗ trợ xã Nguyên Phúc thành lập Hợp tác xã trồng rau với tên gọi Rau an lành Phúc Lộc với 13 thành viên, hỗ trợ xây dựng nhà chế biến rau với đầy đủ chức năng, dụng cụ. Là một thành viên của Hợp tác xã, hiện nay rau của ông Tượng đã có nhãn hiệu, chứng nhận rau an toàn với tên gọi Rau Phúc Lộc, nhờ vậy nên sản phẩm của ông ngày càng được tiếp cận và bày bán tới nhiều đối tượng khách hàng.

Hợp tác xã của ông hiện đang hợp tác với nhiều cá nhân khác ở các huyện Ba Bể, Na Rỳ để xây dựng thương hiệu, thêm nhiều loại mặt hàng rau sạch khác cung ứng cho thị trường. Mới đây, ông Tượng đã hỗ trợ kỹ thuật cho một đơn vị khác ở huyện Na Rỳ trồng 6 ha rau Bò Khai, dự kiến năm sau có thể thu hoạch xuất bán ra thị trường. Việc có được vườn rau Bò Khai như gia đình ông Nông Văn Tượng thực sự rất hiếm.

Đây chính là mô hình rau đặc sản cần nhân rộng, nếu cây trồng này được hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật, đầu ra thuận lợi thì chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa cung cấp số lượng lớn cho cả các tỉnh miền xuôi.

Rau Bò Khai mới phát triển và phổ biến trên thị trường vài năm nay, nhưng đây là giống rau đặc sản của núi rừng rất được nhiều người yêu thích. Xuất phát từ mô hình trồng thành công của gia đình ông Nông Văn Tượng, việc quy hoạch, hình thành vùng trồng cây rau đặc sản, nguồn gốc sạch với quy mô lớn để cung cấp cho các tỉnh miền xuôi đang có nhu cầu khá lớn là điều tỉnh Bắc Kạn cần tính đến, để nhân rộng ra trên khắp địa bàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục