Thúc đẩy chuyển đổi số: Cần có thể chế số và cách làm số phù hợp

19:09' - 09/03/2022
BNEWS Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ, nói về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, các nền tảng số thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm là phải có thể chế số. 

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo Viễn thông băng rộng di động, cố định và công nghệ thông tin 2022 (World Mobile Broadband and ICT 2022).

Với chủ đề hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, hội thảo diễn ra trong bối cảnh ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy, làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số như mong muốn của Chính phủ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, muốn phát triển kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng số phải đi trước một bước. Với sự phát triển, hội tụ của hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông hiện nay đang chuyển mình thành hạ tầng số (gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu).

Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra mục tiêu Việt Nam cần làm chủ hạ tầng băng rộng, hạ tầng thiết bị 5G, các nền tảng công nghệ "Made in Việt Nam".

Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ, nói về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, các nền tảng số thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm là phải có thể chế số. Việc này cần phải được xây dựng hợp lý để vừa quản lý, vừa thúc đẩy phát triển hạ tầng số, dữ liệu số.

Vấn đề quan trọng thứ 2 là “cách làm số”, tức là một cách làm mới, khác với những tuần tự trước đây. Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh - công cụ để chuyển đổi hoạt động của bản thân trên môi trường số.  

Mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang để có thể kết nối lên môi trường số. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu lọt vào vào top 30 (hiện đang top 70) về hạ tầng số. Để đạt được những mục tiêu cơ bản trên, chúng ta cần có cách làm đột phá, xuất sắc từ việc tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị tại Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, tăng 14,59%...

Doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (tương đương 6 USD), giảm 8% so với mức doanh thu 149.000 đồng của năm 2020.

Năm 2022, Cục Viễn thông đặt mục tiêu phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có internet cáp quang (FTTH);  85% thuê bao băng rộng di động/100 dân.

Tuy vậy, việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng vừa phục vụ kết nối người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, xa hơn là thúc đẩy hệ sinh thái số trên nền tảng viễn thông hoạt động hiệu quả, góp phần giúp nền kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ là một vấn đề không dễ giải quyết đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính các đơn vị cung cấp giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi và chia sẻ phương pháp quản lý, đầu tư, phát triển sản phẩm và kinh doanh trên nền tảng viễn thông công nghệ cao. Đại diện Cục Viễn thông cung cấp thông tin về chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông của Việt Nam; tiềm năng của 5G, internet kết nối vạn vật (IoT) trong chuyển đổi số công nghiệp hay những cơ hội, thách thức khi phát triển dịch vụ thương mại trên nền tảng viễn thông tốc độ cao, vận hành dịch vụ thương mại và tiếp vận (logistic) trên nền tảng viễn thông tốc độ cao; những vấn đề về tài chính số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường di động ảo…

Cũng trong chương trình, Ban tổ chức đã công bố và vinh danh các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, internet (ISP), điện toán đám mây tiêu biểu tại Việt Nam năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục