Thúc đẩy ứng dụng siêu trí tuệ nhân tạo vào doanh nghiệp

21:00' - 22/06/2024
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đang tiến hành lấy ý kiến cho dự thảo Đề án thành lập Trung tâm đào tạo và ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo).

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy ứng dụng siêu trí tuệ nhân tạo (AGI), đưa AGI vào doanh nghiệp, giải các bài toán của xã hội cấp địa phương, vùng, quốc gia; phát triển nguồn nhân lực AGI chất lượng cao; xây dựng hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng AGI.

 

Cùng với đó, dự án nhằm phát triển hệ sinh thái AI, tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển của AGI, bao gồm cả việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về AGI, ươm tạo các startup.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI như hợp tác với các quốc gia khác để học tập kinh nghiệm, ươm tạo startup về AI. Tác động đến việc xây dựng hành lang pháp lý Sandbox liên quan đến AIG nhằm tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển và ứng dụng thử nghiệm AGI.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, AI hiện nay là công nghệ mang lại đột phá rất lớn, nó đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 thì mục tiêu đến năm 2030 là đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI; hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI…

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xây dựng Trung tâm đào tạo và ứng dụng AI tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nhiệm vụ này được triển khai để phù hợp với Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng cơ chế đặc thù cho các trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI ở Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện thể chế, các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Mới đây, đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Công nghệ, Bưu chính viễn thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đã đóng góp ý kiến về thẩm quyền, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm AI trong Đề án đã phù hợp chưa? định hướng AI như thế nào? mô hình hoạt động, hạ tầng, dữ liệu, con người, nguồn lực thế nào nên đi theo hướng nào? cơ chế chính sách gì? mong muốn đề xuất hợp tác như thế nào với trung tâm các doanh nghiệp, hợp tác với các viện nghiên cứu, các chuyên gia nước ngoài…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Đề án phải có phạm vi về mặt con người, thời gian. Đầu ra của Đề án sẽ đặt ra mục tiêu để tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, tránh chồng chéo. Cần xây dựng cơ sở hạ tầng tính toán AI, đủ năng lực là nơi thử nghiệm mọi mô hình tính toán AI.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo Đề án tiếp thu, chỉnh sửa để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án thành lập Trung tâm đào tạo và ứng dụng AI chất lượng nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục