Thực hiện biện pháp mạnh để kiểm soát xe chở quá tải

16:03' - 17/12/2021
BNEWS Xe chở quá tải trọng (xe chở quá tải) đang tái diễn trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương nhưng tháng cuối năm.
Sau một thời gian vắng bóng do giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường cũng là lúc xe chở quá tải trọng (xe chở quá tải) tái diễn trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương nhưng tháng cuối năm.

Điều này đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xung quanh các giải pháp để kiểm soát tình hình trên.

Phóng viên: Sau một thời gian kiểm soát tốt, xe chở quá tải đang bắt đầu tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Việc kiểm soát tải trọng xe trong thời gian trước khi dịch COVID-19 bùng phát đã có tác dụng rất lớn, lượng xe chở quá tải trọng giảm mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian dịch được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại thì tình hình xe chở quá tải trọng lại có xu hướng tăng trở lại.

Qua khảo sát, đánh giá, nắm bắt tình hình và trực tiếp kiểm tra trên đường của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều xe chở quá tải trọng, đặc biệt là các xe chở vật liệu như xi măng sắt, thép, cát đá.

Nguyên nhân được các ngành chức đánh giá là do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và nhiều nhiệm vụ khác của địa phương.

Mặt khác, thanh tra giao thông chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương. Đặc biệt, thời gian vừa qua các lực lượng tập trung cho việc phòng chống dịch COVID-19, các chủ xe, lái xe lợi dụng tình hình nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương - nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp... tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...;

Theo phân tích đánh giá của các cơ quan chuyên môn, xe chở quá tải trọng được xem là "thủ phạm" chính trong việc phá hoại tài sản nhà nước, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Cụ thể, tính toán của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chỉ cần một xe chở quá tải trọng lưu thông trên đường có thể làm giảm tuổi thọ của đường, cầu xuống nhiều lần, đặc biệt là những tuyến đường vừa làm xong.

Phóng viên: Vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện giải pháp nào để giải quyết tình hình trên?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo các cơ quan trong ngành thực hiện nhiều giải pháp và cũng đã có đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tăng cường kiểm tra, thanh tra trên đường để xử lý xe chở quá tải trọng.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập các tổ công tác cơ động, tiến hành kiểm tra ngày, đêm để phát hiện các xe chở quá tải trọng để xử phạt nghiệm. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đã đẩy mạnh  kiểm soát tải trọng xe theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt, là việc kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương chủ động chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe. Đặc biệt, kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải và chế tài xử phạt vi phạm.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện giải pháp từ chối đăng kiểm xe cơ giới đối với các xe vi phạm việc chở quá tải trọng. Vậy, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình ThọVề hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng để thực hiện hành vi chở xe quá tải trọng đã có chế tài xử phạt rồi. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang có chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường trang bị các thiết bị quay, chụp ảnh đạt chuẩn.

Cụ thể, các thiết bị này đều được các cơ quan chức năng giám định, dán tem kiểm định để những hình ảnh, video có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt. Khi có những hình ảnh, video đối với những xe chở quá tải trọng sẽ được gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để tích hợp vào phần mềm của Cục. Khi đó, các trung đăng kiểm căn cứ vào các trường hợp bị ghi hình vi phạm để có thể từ chối đăng kiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với những xe vận tải. Chẳng hạn như kẹp chì vào thùng chở hàng để đảm bảo các phương tiện này không thể thay thùng xe để chở quá tải trọng.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung sửa đổi của Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm; đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.

Theo đó, hành vi chở quá tải sẽ bị phạt nặng có thể lên từ 40-50 triệu đồng, trong khi đó, hiện nay pháp luật hiện hành chỉ xử lý xe chở quá tải trọng từ trên 100% đến 150% phạt từ 7-8 triệu đồng; trên 150% phạt từ 8-12 triệu đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục