Thực hiện nguyên tắc "3 phải" trong phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

18:45' - 24/07/2025
BNEWS Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đất nước hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm và cực đoan, đất nước "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa".
Chiều 24/7, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự 34 tỉnh, thành phố, lãnh đạo của 3.321 xã, phường, đặc khu. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đất nước hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm và cực đoan, đất nước "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa". Thời gian qua, thiên tai gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng như bão Yagi, ngập lụt giữa mùa hè tại miền Trung, lũ rất cao trên sông Cả, dông lốc xuất hiện thường xuyên, phức tạp, kéo dài, mưa lớn tại Nghệ An gây ngập lụt, chia cắt, cô lập tại một số khu vực...

"Trước tình hình đó, tại phiên họp này, tôi đề nghị các thành viên tập trung vào 3 vấn đề cụ thể đó là: Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác khắc phục cũng như khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm đối với công tác này; công tác phân công, phân định nhiệm vụ này thế nào cho phù hợp, hiệu quả nhất; công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện chính quyền 2 cấp có những thuận lợi và khó khăn gì?", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Thủ tướng chỉ ra các khó khăn, tồn tại trong công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như số người chết, mất tích còn lớn, công tác dự báo, cảnh báo, truyền thông còn nhiều khó khăn, sự chủ quan của người dân, năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế...

Để làm tốt hơn công tác này, Thủ tướng đề nghị thực hiện "nguyên tắc 3 phải" đó là phải phòng thủ từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả, an toàn; khắc phục phải chung tay, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Cùng với đó phải hoàn thiện tổ chức bộ máy phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian tới, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai còn diễn biến phức tạp. Để chủ động trong công tác ứng phó, Bộ tập trung vào việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương hai cấp; thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy; phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan Thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; thực hiện kịp thời công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, Bộ đã ban hành 48 công điện điều động lực lượng cán bộ chiến sĩ trong ngành trên toàn quốc tham gia vào công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Để làm tốt hơn công tác này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đề nghị tập trung vào việc thông tin tuyên truyền, diễn tập các tình huống phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cho cán bộ chiến sĩ và người dân, tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai...

Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An thông tin, là tỉnh hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm nên tỉnh luôn chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó. Trong bối cảnh thiên tai phức tạp, tỉnh tiếp tục xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp, thể hiện trách nhiệm cao trong công tác này đi đôi với việc thực hiện chính quyền 2 cấp.

Đại diện xã Mường Xén (Nghệ An) kiến nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ việc thông các tuyến đường đang bị ngập, bị hỏng, bị bùn đất bao phủ, đồng thời hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm cho những nơi còn đang bị cô lập, ngập sâu, khó khăn.

Đại diện đặc khu đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đề nghị các cấp hỗ trợ nguồn lực, thiết bị y tế, thuốc cho đặc khu.

Đại diện đặc khu Bạch Long Vĩ đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ việc đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc, nhất là trong tình hình thiên tai.

Tại phiên họp, đại diện các Bộ: Y tế, Xây dựng, Khoa học và công nghệ, Tài chính đã trao đổi những vấn đề liên quan đến công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của bộ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục