Thực thi EPR: Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì?

16:29' - 04/04/2024
BNEWS EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với việc thu gom, tái chế và xử lý các sản phẩm của họ sau khi không còn sử dụng được nữa. Vậy doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì khi thực hiện EPR?
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một phương pháp quản lý môi trường được áp dụng để đảm bảo rằng các sản phẩm sau khi sử dụng không gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với việc thu gom, tái chế và xử lý các sản phẩm của họ sau khi không còn sử dụng được nữa.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn trong thực thi EPR tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư, yếu tố kỹ thuật... Dưới đây là chùm ý kiến của doanh nghiệp, nhà quản lý xoay quanh việc thực hiện EPR.

*Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân: Đã có động thái tích cực từ thị trường.

Đã có nhiều đơn vị liên hệ Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân để tìm hiểu về chính sách thu gom, đáp ứng nhu cầu thực thi EPR. Từ số lượng 3 doanh nghiệp hồi năm ngoái, năm nay đã có 6 doanh nghiệp tìm hiểu về chính sách này. Đây là động thái tích cực từ thị trường, các đơn vị có thể tham gia thu gom tái chế chai nhựa đã qua sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Những chai nhựa qua quá trình thu gom tái chế của công ty có thể tạo ra những chai nhựa có thể sử dụng cho thực phẩm nên quy trình sản xuất và kiểm nghiệm sẽ tốn thời gian. Do đó, hiện công ty đa phần nhận được nhu cầu về thu gom, còn nhu cầu cho đơn hàng đầu ra sẽ có thể phát triển trong tương lai.

 
Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là nhiều đơn vị còn chưa biết đến hoặc chưa tiếp cận được chính sách về EPR. Do đó, chúng tôi đề xuất đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, giúp mọi người biết đến EPR, áp dụng được EPR vào doanh nghiệp và hiểu được tác dụng của EPR đối với doanh nghiệp thế nào.

Đối với doanh nghiệp, khi mới áp dụng EPR sẽ có thể tăng chi phí, tăng đầu tư nhưng khi áp dụng tốt thì đây là vấn đề tốt cho xã hội và môi trường.

*Ông Nguyễn Thi, Chuyên viên chính Vụ pháp chế - Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thực thi EPR

Khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực thi EPR hiện nay chủ yếu liên quan đến việc xác định xem những bao bì nào thuộc diện phải kê khai thực hiện trách nhiệm, lượng hàng hóa đưa ra thị trường...

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, doanh nghiệp nếu thuê hoặc ủy quyền đơn vị khác tái chế thì thách thức là làm sao thu gom được lượng bao bì không chỉ riêng của doanh nghiệp mà có thể là bao bì cùng loại để đáp ứng được khối lượng bao bì bắt buộc doanh nghiệp phải tái chế trong năm.

Trong khi đó hạ tầng thu gom, tái chế còn trong quá trình phát triển. Dù đã có một số cơ sở tái chế phát triển, quy mô nhưng cũng còn nhiều điểm tái chế quy mô nhỏ, làng tái chế... không đáp ứng được yêu cầu của EPR. Do đó, để đáp ứng được lượng thu gom tái chế, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn nhà tái chế, thu gom để đáp ứng được trách nhiệm của mình.

Thị trường thu gom, tái chế được phát triển theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hiện đã có các cơ chế khuyến khích ưu đãi như hỗ trợ các nhà tái chế trong việc miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, tăng tiếp cận tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Đây là chính sách mạnh mẽ giúp các nhà tái chế, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hơn trong thu gom tái chế bao bì, từ đó giúp phát triển hạ tầng cơ sở, đáp ứng yêu cầu của EPR.

Đồng thời cũng có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn tập trung quá trình sản xuất sản phẩm sạch hơn, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng sản phẩm... giúp thị trường phát triển được.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành tiêu chí về nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bao bì. Theo đó, yêu cầu nếu các bao bì sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế sẽ được dán nhãn sinh thái. Khi có nhãn sinh thái này các cơ sở tái chế sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như trên, giúp đẩy mạnh phát triển thị trường tái chế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục