Thực thi ESG: Chỉ có số ít doanh nghiệp lớn tiên phong

17:21' - 29/08/2024
BNEWS Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn xem ESG là một khái niệm xa vời và tốn kém, chưa nhận thấy rõ ràng mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả kinh doanh.

Trong bối cảnh ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang trở thành yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh hiện đại, trong đó quản trị được xem là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp định hình chiến lược phát triển dài hạn, đảm bảo hoạt động minh bạch và hiệu quả. Từ đó, tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư và đối tác.

Đây là nội dung trọng tâm được trao đổi tại hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - làm gì, từ đâu" do Báo Dân Trí tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 29/8.

Đại biểu thảo luận về các chủ đề liên quan đến việc thực hiện các nội dung liên quan đến các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Với vấn đề doanh nghiệp Việt liệu đã sẵn sàng thực thi ESG, Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn tiên phong. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn xem ESG là một khái niệm xa vời và tốn kém. Họ chưa nhận thấy rõ ràng mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả kinh doanh cũng như chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động ESG.

Chia sẻ về thực tiễn vận dụng ESG tại Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh như chuyển đổi việc sử dụng năng lượng, đưa ESG vào chiến lược hoạt động của nhà trường, Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung cho biết: Để bắt đầu và thực hiện báo cáo ESG, doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức về ESG trong nội bộ doanh nghiệp; tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo để giúp nhân viên hiểu rõ về tầm quan trọng của ESG và cách thức đóng góp của họ. Đồng thời, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đối chiếu với tình hình thực tế của doanh nghiệp để lựa chọn tiêu chuẩn báo cáo ESG phù hợp.
 

Cùng đó, doanh nghiệp cần đảm bảo tính minh bạch và tin cậy thông qua thực hiện kiểm toán độc lập và công bố báo cáo ESG một cách mình bạch trên website hoặc các kênh truyền thông khác của doanh nghiệp; cần tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh, trong đó xem ESG là một phần không thể thiếu của chiến lược kinh doanh dài hạn, đặt ra các mục tiêu ESG cụ thể và đo lường tiến độ thực hiện định kỳ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Dưới góc độ quản trị trong ESG, Tiến sỹ Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng: Thực hành ESG toàn cầu có áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam, làm cho chi phí tăng lên nhiều. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi. Khi thực hành ESG sẽ khắc phục những yếu điểm về quản trị. ESG là xu hướng của thế giới, Việt Nam có thể tối ưu chi phí, tối ưu hóa tài nguyên.

Theo Tiến sỹ Bùi Thanh Minh, chuyển động theo ESG có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh - dù không rẻ nhưng là vốn trung và dài hạn dựa trên tính chất để có cơ hội tiếp cận vốn, khắc phục vấn đề trong cấu trúc vốn trong bối cảnh chỉ dựa vào tín dụng. Mặt khác, chuyển động ESG mở ra những cơ hội kinh doanh mới, doanh nghiệp có thể kết hợp, tối đa hóa và giảm thiểu rủi ro.

Để doanh nghiệp quản trị theo định hướng ESG, trước tiên, doanh nghiệp phải phân tích mô hình kinh doanh, tác động và mục đích của việc thực hành ESG. Nếu thực hành ESG để mở rộng thị trường, có thể học hỏi từ các doanh nghiệp tiên phong. Trong bản báo cáo phải thể hiện thế nào cho nhà đầu tư, nhà mua, khách hàng, cổ đông… thuyết phục về số liệu.

Đề cập đến vấn đề thuê công ty tư vấn để thực hiện ESG, bà Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành các Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh cho rằng, không có công thức cụ thể nào áp dụng được cho tất cả doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng về ngành nghề, quy mô, tính chất hoạt động nên việc thuê tư vấn giai đoạn đầu rất cần thiết, nếu doanh nghiệp chưa có kiến thức ngay để có thể triển khai ESG.

Theo bà Lê Thái Hà, việc quan trọng là doanh nghiệp cần làm việc sát sao với công ty tư vấn, đảm bảo công ty tư vấn hiểu biết tính chất hoạt động, bản chất của riêng đơn vị. Vai trò công ty tư vấn không thể thay doanh nghiệp điều hành mà chỉ đồng hành, tư vấn. Còn doanh nghiệp tự chọn yếu tố phù hợp và tự chịu trách nhiệm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục