Thực trạng chất thải điện tử toàn cầu: Cái giá quá đắt về kinh tế

07:30' - 25/03/2019
BNEWS Chất thải điện tử hiện là một trong những loại chất thải rắn phát triển nhanh nhất ở các đô thị. Mặc dù hầu như tất cả các loại chất thải điện tử đều có thể tái chế, song tỷ lệ tái chế là không cao.

Công nhân làm việc tại trung tâm thu tập rác điện tử ở Ploufragan, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Chất thải điện tử hiện là một trong những loại chất thải rắn phát triển nhanh nhất ở các đô thị. Điều đáng chú ý là mặc dù hầu như tất cả các loại chất thải điện tử đều có thể tái chế, song tỷ lệ tái chế là không cao.

Những thành phần có thể được thu hồi từ chất thải điện tử bao gồm nhựa, kim loại và thủy tinh. Dưới đây là những con số "biết nói" về quá trình tái chế chất thải điện tử.

* Tỷ lệ tái chế thấp

Trong năm 2014, khoảng 41,8 triệu tấn chất thải điện tử đã được tạo ra trên toàn thế giới, trong đó có 12,8 triệu tấn thiết bị nhỏ, 11,8 triệu tấn thiết bị lớn, 7 triệu tấn thiết bị trao đổi nhiệt độ (thiết bị đóng băng và làm mát), 6,3 triệu tấn màn hình và các thiết bị hiển thị, 3 triệu tấn thiết bị công nghệ thông tin nhỏ và 1 triệu tấn đèn.

Lượng chất thải điện tử trên toàn thế giới ước tính có thể đạt mức cao kỷ lục 49,8 triệu tấn trong năm 2018, với mức tăng trưởng hàng năm là 4-5%.

Trong số 41,8 triệu tấn chất thải điện tử được thống kê nêu trên, chỉ tính riêng một mình nước Mỹ con số này đã là 11,7 triệu tấn, trong khi trong cả năm 2014 chỉ có khoảng 6,5 triệu tấn được xử lý bằng hệ thống thu gom đồ điện tử quốc gia. Số liệu cho các năm 2015 và 2016 hiện vẫn chưa được công bố.

Ông Jim Puckett, Giám đốc điều hành và là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động Basel (BAN), đã nói rằng: "Tỷ lệ tái chế đối với các thiết bị điện tử là vô cùng thấp". Ông Puckett ước tính rằng nhiều nhất chỉ có 5% số kim loại được sử dụng trong các thiết bị điện tử là được tái chế.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), trong năm 2012 chỉ có khoảng 1 triệu tấn chất thải điện tử trong số hơn 3,4 triệu tấn được tạo ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới được tái chế, tương đương với tỷ lệ 29%. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế chất thải điện tử trong hai năm trước đó 2010 và 2011 lần lượt là 19,6% và 24,9%.

Tuy nhiên, con số này đã giảm nhanh xuống chỉ còn khoảng 15-20% trong những năm gần đây. 

Theo một báo cáo mới công bố của EPA, mỗi ngày có đến hơn 416.000 thiết bị di động và 142.000 máy tính được không còn giá trị sử dụng được đưa vào quy trình tái chế hoặc thải bỏ trong các bãi chôn lấp và lò đốt rác.

Chương trình tài liệu về các vấn đề thời sự của nước Anh được phát sóng trên kênh truyền hình BBC (BBC Panorama) cho biết mỗi năm thế giới "xả" khoảng từ 20- 50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị.

Trong khi đó, báo cáo của EPA lại khẳng định chất thải điện tử chỉ chiếm khoảng 2% tổng số chất thải rắn, song điều đáng nói là số chất thải điện tử này là nguyên nhân tạo ra 70% chất thải nguy hại được "xả" vào các bãi chôn lấp.

Theo EPA, trong năm 2007, có khoảng 26,9 triệu chiếc tivi với tổng cân nặng lên đến 910.600 tấn đã bị bỏ đi ở Mỹ. Năm 2009, theo báo cáo của EPA, tỷ lệ tái chế đối với các thiết bị điện tử như điện thoại di động, tivi và máy tính lần lượt là 8%, 17% và 38%. 

* Cái giá quá đắt về kinh tế…

EPA tiết lộ rằng sẽ có khoảng 9.071,85 kg đồng, 9,071 kg palladium, 249,48 kg bạc và 22,68 kg vàng được phục hồi nếu chúng ta tái chế 1 triệu chiếc điện thoại di động

Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng (CEA) thực hiện, trong năm 2012, một hộ gia đình trung bình ở Mỹ đã đầu tư 1.312 USD để mua sắm thiết bị điện tử tiêu dùng. 

Cuộc khảo sát của CEA cho thấy trung bình mỗi gia đình tại Mỹ sở hữu 24 sản phẩm điện tử tiêu dùng riêng biệt và trong năm 2012, điện thoại thông minh và máy tính bảng chính là hai nhân tố giúp đẩy doanh số bán thiết bị điện tử tiêu dùng hàng năm trên toàn cầu lên mức hơn 206 tỷ USD.

Công ty nghiên cứu thị trường iSupply cho biết vào năm 2010 và 2011, có khoảng 1,56 tỷ và 1,6 tỷ thiết bị điện tử tiêu dùng đã được đặt mua trên toàn cầu.

Quá trình sản xuất một chiếc máy tính cùng với màn hình của nó cần ít nhất 1,5 tấn nước, 21,77 kg hóa chất và 240,4 kg nhiên liệu hóa thạch. So với việc xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc trong lò đốt, việc tái sử dụng hoặc tái chế máy tính có thể tạo thêm 296 việc làm mỗi năm cho mỗi 10.000 tấn chất thải máy tính được xử lý.

Việc tái chế 1 triệu máy tính xách tay có thể tiết kiệm đủ năng lượng để vận hành 3.657 căn nhà ở Mỹ trong vòng một năm. 

Trong khi đó, trong những chiếc điện thoại di động có chứa một lượng kim loại quý rất cao như bạc và vàng. Điều đó có nghĩa là người Mỹ hiện đang vứt bỏ khoảng 60 triệu USD giá trị tương đương bạc và vàng mỗi năm.

* … và về con người

Ở một góc nhìn khác, theo EPA, trong chất thải điện tử có chứa số lượng lớn chì mà nếu thải ra môi trường có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người cùng những ảnh hưởng đối với thận, máu cũng như hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.

Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1 tỷ chiếc điện thoại di động và 300 triệu máy tính được đưa vào sản xuất. Chất thải điện tử toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm và có khoảng 80% số chất thải điện tử tạo ra ở Mỹ được “xuất khẩu” sang châu Á, phản ánh một luận điểm gây tranh cãi đáng kể khi người ta nhắc đến dòng chảy thương mại toàn cầu.

Giám đốc Puckett cho biết một phần trong số các thiết bị được bàn giao để chuẩn bị cho quá trình tái chế sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển như thủ đô Accra của Ghana hay khu vực phía Nam Trung Quốc, những địa điểm có cơ sở hạ tầng và quy trình tái chế kém hiệu quả nhất.

Những nơi này thường xuyên diễn ra tình trạng chất thải điện tử được xử lý trong một môi trường không được kiểm soát, hay còn gọi là bất hợp pháp. Theo Liên hợp quốc, có đến 90% số rác thải điện tử trên toàn cầu đang được xử lý theo cách này.

Trong một thử nghiệm gần đây, BAN đã đặt máy theo dõi GPS trên 205 máy in và màn hình máy tính cũ để xem chuyện gì đã xảy ra với chúng. Kết quả là 40% số những thiết bị được bàn giao để tái chế đã được chuyển ra nước ngoài, điểm đến phần lớn là châu Á.

Thậm chí, tất cả 37 thiết bị trong số đó được dẫn tới Hong Kong (Trung Quốc) đều được xử lý và tháo gỡ bằng tay, với những dụng cụ không đảm bảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục