Pháp và bài toán rác thải hạt nhân

06:46' - 19/03/2019
BNEWS Tỉnh Aube (vùng Đông Bắc) có hai trung tâm tiếp nhận và xử lý 90% lượng rác phóng xạ được thải ra mỗi năm tại Pháp.
Pháp và bài toán rác thải hạt nhân. Ảnh: Reuters

Theo báo Le Monde, một trong số đó đang tiến gần đến ngưỡng bão hòa, trong khi các chuyên gia vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý hữu hiệu đối với một số loại chất thải.

Theo Cơ quan Quốc gia quản lý chất thải phóng xạ (ANDRA), các rác thải phóng xạ được chôn lấp theo một quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Cho dù được gọi là "tồn tại trong thời gian ngắn" trong thuật ngữ của ngành công nghiệp này, các rác thải tiếp tục có khả năng phóng xạ trong vài thế kỷ tới.

Mỗi ngày, sáu xe tải chở đến bãi Soulaines-Dhuys thuộc tỉnh Aube hàng loạt thiết bị bị ô nhiễm như dụng cụ, quần áo, găng tay, giày... được thải ra từ các lò phản ứng của Công ty Điện lực quốc gia (EDF), Trung tâm nghiên cứu của Ủy ban năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA) và các nhà máy hạt nhân của tập đoàn đa quốc gia Orano.

Tất cả đã được đóng gói trong những thùng kim loại hoặc bê tông. Khi đến nơi, chúng được xác định bằng mã vạch để kiểm soát nguồn gốc cũng như nội dung các loại rác chứa bên trong. Sau đó chúng được xếp chồng lên nhau thành từng lớp trong những khối bê tông cốt thép lớn, dài 25 m mỗi cạnh, sâu 8 m và tường dày gần 0,5 m. Khi đã đầy, các khối này được đóng lại bằng một tấm bê tông và trên cùng phủ một lớp đất sét.

Hiện có khoảng 140 khối bê tông cốt thép xếp thành hàng dài. Bãi thải với diện tích 95 ha dự kiến sẽ chứa đến 420 khối như vậy vào năm 2060 hoặc năm 2070. Khi đó sẽ có 1 triệu m3 chất thải, gấp 3 lần so với hiện nay. Sau 300 năm nữa, là khoảng thời gian mà lượng phóng xạ sẽ giảm đủ để loại bỏ mọi rủi ro, bãi thải này sẽ vẫn phải đặt trong vòng kiểm soát.

Theo ANDRA, hơn 10.000 thử nghiệm phân tích được thực hiện mỗi năm để xác nhận các khối chứa rác thải hạt nhân không bị không khí, động thực vật và nước ngầm xâm nhập. Một mạng lưới đường thoát nước ngầm được xây dựng để thu hết lượng nước thẩm thấu vào.

Patrick Torres, một lãnh đạo của ANDRA, cho biết phương pháp quản lý khác nhau tùy theo tính chất của rác thải. Nhưng mục tiêu vẫn giống nhau là bảo vệ con người và môi trường, hiện tại và trong tương lai.

Tại bãi Morvilliers cũng ở tỉnh Aube, 46 ha được dùng để chứa các lại rác khác như đá vụn, đất và kim loại phế liệu, thải ra từ việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân hoặc khắc phục các vị trí bị ô nhiễm. Ở đây không có các khối hộp bằng bê tông mà là những rãnh dài 200 mét đào sâu trong lòng đất.

Sau khi đã chứa đầy các gói chất thải, mỗi rãnh được lấp kín bằng cát, sau đó được phủ một lớp màng nhựa chống thấm và một lớp đất sét trên cùng để đảm bảo nước không thấm vào. Bãi thải này gồm 30 rãnh chôn lấp, trong đó ½ đã đầy và số còn lại sẽ phục vụ cho đến giai đoạn 2025-2030, sẽ được giám sát chỉ trong vòng 30 năm sau đó vì tính chất gây ô nhiễm thấp.

Ông Patrick Torres cho biết trong tương lai sẽ cần phải xây dựng thêm một trung tâm xử lý mới gần đó để tiếp nhận rác thải có độ phóng xạ thấp từ việc tháo dỡ 58 lò phản ứng cũ theo kế hoạch. Theo tính toán của ANDRA, khối lượng thải này sẽ đạt từ 2,1 đến 2,3 triệu m3, tùy thuộc vào việc các lò phản ứng sẽ ngừng hoạt động sau 40, 50 hay 60 năm.  Con số này gấp hơn 3 lần công suất hiện tại của bãi Morvilliers.

Đây không phải là thách thức duy nhất mà Pháp phải đối mặt. Cho đến nay, Pháp vẫn chưa tìm ra giải pháp cho một loại chất thải khác: có lượng phóng xạ thấp nhưng lại tồn tại lâu dài, hơn 300 năm.

Đây là chất thải từ trong quá khứ, ví dụ như than chì được sử dụng trong những năm 1990 cho các lò phản ứng thế hệ đầu tiên, nằm ở các tỉnh Ain, Indre-et-Loire và Loir-et-Cher, hoặc chất thải chứa radium từ việc xử lý quặng và khử nhiễm các vị trí bị ô nhiễm.

Vào cuối năm 2016, lượng rác này đã lên tới 90.000 m3, nằm rải rác ở khoảng 10 địa điểm. ANDRA đã lên kế hoạch xây dựng một bãi chứa đặc biệt dành riêng cho loại rác này, trong vùng lân cận thị trấn Soulaines-Dhuys. 

Ngoài ra, Pháp còn phải xử lý chất thải có lượng phóng xạ ở cấp độ cao hoặc trung bình, có thể tồn tại đến hàng trăm ngàn năm, chủ yếu từ việc tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.

Dù khối lượng nhỏ chỉ chiếm 3% tổng lượng rác thải hạt nhân, mức độ 99,8% tổng lượng phóng xạ gây ra những tác động rất nguy hiểm đối với sức khỏe và môi trường. Loại chất thải này dự định sẽ được chôn sâu 500 m dưới lòng đất tại thị trấn Bure (tỉnh Meuse). Trung tâm xử lý dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 - 2027, với giai đoạn thử nghiệm 10 năm.

Theo thống kê mới nhất của ANDRA, Pháp có tổng cộng 1,5 triệu m3 rác thải phóng xạ tính đến cuối năm 2016. Sau khi các lò phản ứng hiện tại ngừng hoạt động và được tháo dỡ, khối lượng chất thải sẽ tăng lên gấp 3-4 lần. Chưa tính đến lượng rác sẽ được tạo ra trong tương lai, khi mà các dự án xây dựng hàng loạt lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới hiện đang được lên kế hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục