Thuế nhà giàu: Đề xuất đang gây tranh cãi tại Mỹ

13:56' - 03/03/2019
BNEWS Trong khi nước Mỹ tôn trọng sự tự do kinh doanh và là “cái nôi” sản sinh ra số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới, những đề xuất về thuế nhà giàu đã có sức hút trong giới chính trị thời gian gần đây.

Mặc dù không được đón nhận rộng rãi tại Mỹ, ý tưởng đánh thuế đối với các cá nhân và tập đoàn giàu có để trang trải cho chi phí về chăm sóc sức khỏe hoặc chống lại sự bất bình đẳng đang dần lấy được vị thế nhờ vào sự ủng hộ của các chính trị gia trong đảng Dân chủ.

Trong khi nước Mỹ tôn trọng sự tự do kinh doanh và là “cái nôi” sản sinh ra số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới, những đề xuất thuế như trên đã đạt được sức hút trong giới chính trị thời gian gần đây.

Trong đó, đã có nhiều hơn một ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới vận động sẽ thúc đẩy kế hoạch đánh thuế đối với những người giàu có, và họ đã được khuyến khích bởi những tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates và Warren Buffett, hai người giàu thứ hai và thứ ba trên thế giới và đang rất lo lắng về tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng tại Mỹ.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders là một trong những người đầu tiên tham gia làn sóng này. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông đã kêu gọi tăng thuế thu nhập liên bang để trả học phí đại học và chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Ngoài ra, Thượng nghị sỹ Sanders cũng đưa ra mức thuế suất đối với tài sản thừa kế là 77%. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren đã đề xuất đánh thuế tài sản 2% đối với mức thu nhập từ 50 triệu USD, còn Thượng nghị sĩ New York Kirsten Gillibrand lại kêu gọi thu thuế đối với các giao dịch tài chính.

Tương tự, Hạ nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez cũng đề xuất mức thuế 70% cho tất cả các khoản thu nhập trên 10 triệu USD để đầu tư vào "Thỏa thuận Xanh mới" - thỏa thuận nhằm loại bỏ khí thải carbon ra khỏi nền kinh tế Mỹ và giúp ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu cũng như đảm bảo việc làm.

Chủ đề về tăng thuế doanh nghiệp - một ưu tiên khác của đảng Dân chủ, đã nổi lên kể từ sau những tranh cãi gần đây xung quanh câu chuyện về Amazon, “đại gia” đã không phải đóng bất kỳ khoản phí nào cho chính phủ liên bang trong hai năm gần đây, bất chấp những khoản lợi nhuận “kếch xù”. Điều này đã tạo ra những cuộc tranh luận về việc các công ty có lợi nhuận cao nhưng không phải trả tiền cho chính phủ.

Nhận định về những đề xuất này của các chính trị gia nước Mỹ, Joseph Thorndike, một nhà sử học chuyên về chính sách thuế của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho biết sự đảo ngược của xu hướng cắt giảm thuế sau chiến tranh chỉ là chuyện sớm muộn và nước Mỹ sẽ bắt đầu có một cuộc thảo luận chưa từng có kể từ những năm 1960 hay thậm chí là những năm 1950.

Trước đây, thuế suất tại Mỹ được giữ ở mức rất cao sau Thế chiến thứ II, tối đa là 94% và sau đó bắt đầu giảm dần vào những năm 1960 và 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Đến cuối năm 2017, Tổng thống Trump tiếp tục ban hành điều luật cắt giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, mặc dù đảng Dân chủ đối lập đã cảnh báo cuộc “đại tu thuế” này là một tặng phẩm dành cho người giàu.

Tại Mỹ, một cuộc thăm dò được thực hiện vào cuối tháng 2/2019 cho thấy có đến 74% cử tri ủng hộ phương án tăng thuế đối với người giàu và 73% ủng hộ tăng thuế đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, 90% số người tin rằng các khoản thu thuế này nên được dùng cho mục đích chăm sóc sức khỏe hoặc cải thiện hạ tầng cơ sở.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng kết quả phản ánh sự đồng thuận rõ ràng này lại che dấu khác biệt đáng kể giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa giữa bối cảnh thuế vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm. Những thay đổi lớn đôi khi khó thuyết phục đối với công chúng trong khi những lời nói hoa mỹ nhằm chống lại người giàu của một số người trong đảng Dân chủ lại có thể làm tha hóa một số cử tri nhất định, ông Thorndike nói.

Xem thêm:

>>Pháp cân nhắc khôi phục lại "Thuế nhà giàu"

>>Tổng thống Mỹ muốn tăng thuế đối với giới nhà giàu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục