IREC 2018: Nhiều quốc gia quan tâm phát triển nhà ở giá thấp cho người dân

16:46' - 06/09/2018
BNEWS Với một quốc gia có 96 triệu dân, 37,5% tốc độ đô thị hóa, việc có quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với đối tượng thu nhập thấp là bài toán khó.
Đến năm 2020, cần 1 triệu m2 nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Giới thiệu Thành phố thông minh - Thành phố hạnh phúc, xu hướng mới nhất về xây dựng và kiến trúc trên thế giới và diễn đàn về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ... là nội dung chính được thảo luận trong phiên chiều nay 6/9 của Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018.

Một trong những vấn đề được quan tâm là nhà ở cho người dân với mức giá hợp lý bởi đây cũng là điều quan trọng đối với sức sống kinh tế của một cộng đồng và nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao nên câu chuyện giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp được Chính phủ rất quan tâm; đồng thời, chia sẻ về những khó khăn vướng mắc và kết quả đạt được.

Với một quốc gia có 96 triệu dân, 37,5% tốc độ đô thị hóa, việc có quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với đối tượng thu nhập thấp là bài toán khó. Khoảng 20 năm vừa qua, tốc độ phát triển nhà ở diễn ra rất nhanh chóng nhưng nhà ở thương mại vẫn là chủ yếu. Từ năm 2009, Chính phủ có một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đối với khu vực đô thị, tập trung 2 đối tượng chính: Người thu nhập thấp và công nhân lao động. Nguồn cung dự án nhà ở xã hội vốn chủ yếu là của tư nhân. Nhu cầu cao tập trung vào đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh thì nhu cầu nhà ở rất lớn. Đến năm 2020, cần 1 triệu m2 nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để đạt được điều đó, cần rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và cả người dân.

Ông Noh Jae Keuk - Chuyên gia về Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc cho hay, tại Hàn Quốc, việc xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ bởi Chính phủ để phù hợp với túi tiền của người dân thu nhập thấp. Doanh nghiệp cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp dưới dạng nhà cho thuê trong 10 năm; sau 10 năm có thể bán cho người dân dưới dạng nhà ở xã hội.

Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính cho đối tượng nhà ở này và chia ra 10 nhóm thu nhập. Đầu tiên là thu nhập thấp và trên cùng là nhóm nhà giàu. Mỗi nhóm sẽ được hưởng 1 chính sách khác nhau. Những người nghèo thậm chí không thể thuê nhà thì Chính phủ sẽ xây những khu nhà cho thuê này và hỗ trợ về tài chính, giá thuê sẽ thấp hơn thị trường khoảng 30%.

Nhóm trên thu nhập thấp được hỗ trợ qua việc phí thuê nhà thấp hơn 1 chút. Nhóm 3, 4 được hỗ trợ thuê thấp hơn thị trường 15%. Đối với nhóm thu nhập trung bình, không phải là thu nhập thấp, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ áp dụng mức lãi suất thấp hơn để họ có thể mua nhà.

Về phát triển đô thị, đại diện cho “chủ nhà” Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề, phải làm thế nào để xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, với mục tiêu tăng trưởng xanh, tạo ra môi trường sống tiện nghi, thân thiện, bền vững.

Ông Nguyễn Tường Văn chia sẻ, sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Cả nước đã có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.

Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế. Sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, hiện mô hình tăng trưởng đô thị chưa đa dạng, thiếu bền vững, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Sử dụng tài nguyên đất đai đô thị chưa hiệu quả, phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị còn dàn trải, thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu, dẫn đến những vấn đề như ngập lụt, ách tắc giao thông trong đô thị - ông Văn phân tích.

Thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện và phát triển mạnh, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ, thiếu tính ổn định và bền vững, đã có thời kỳ tăng trưởng quá nóng có lúc tạo “bong bóng”, có lúc “đóng băng”. Hệ thống thông tin về thị trường còn thiếu độ tin cậy và chưa thực sự minh bạch; chưa có nhiều hình thức, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội cho thị trường bất động sản.

Trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh đang là giải pháp mới ở Việt Nam, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tham gia từ đầu, đồng thời các cơ quan quản lý, nghiên cứu, tư vấn xây dựng cùng phối hợp nghiên cứu hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, phương pháp tạo cơ sở vững chắc để hoạch định những kế hoạch phát triển từ đó có thể chủ động nghiên cứu đưa vào ứng dụng các sản phẩm bất động sản mới cung cấp ra thị trường.

Theo ông Văn, việc phát triển đô thị thông minh là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực quản lý nhà nước mà còn cả ở các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.

Bàn về mô hình Thành phố thông minh – Thành phố hạnh phúc, ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE cho rằng, phải tính đến các yếu tố từ người dân và lấy người dân làm trung tâm khi muốn phát triển đô thị hạnh phúc.

“Hãy nghĩ một đô thị là một ngôi nhà, ngôi nhà đó có rất nhiều các căn phòng, và trong đó là một gia đình. Gia đình đó luôn cần phải kết nối với nhau và hàng xóm của họ. Nghĩa là, một đô thị thông minh là đô thị có thể giúp con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng. Nhân tố đem lại sự hạnh phúc chính là bền vững" - ông Mahmound Al Bruain phân tích.

Bởi vậy, khi xây dựng đô thị, có thể xây dựng hạ tầng, nhà cửa dựa trên một mật độ xây dựng phù hợp; cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng. Cùng dó, cần dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị nhưng cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục