Thuế nhiên liệu hóa thạch có thể thu về 900 tỷ USD cho quỹ khí hậu

09:48' - 07/05/2024
BNEWS Việc đánh thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn có thể tạo ra tới 900 tỷ USD cho quỹ khí hậu vào cuối thập niên này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng mức tài trợ khí hậu để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu và đạt được quá trình chuyển đổi xanh, nhưng việc tìm kiếm khoản tiền này không dễ dàng.

Một báo cáo gần đây đã xác định được biện pháp tiềm năng để huy động nguồn vốn nhằm phát triển năng lực năng lượng tái tạo của các quốc gia thu nhập thấp, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu.

Tổ chức Stamp Out Poverty hồi tháng 4/2024 đã công bố một báo cáo mới về Thuế Thiệt hại Khí hậu cho thấy việc đánh thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn có trụ sở tại một số quốc gia giàu nhất thế giới có thể giúp huy động hàng tỷ USD để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia thu nhập thấp trên toàn cầu.

Việc đánh thuế các công ty ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giàu có nhất có thể tài trợ tới 720 tỷ USD cho quỹ khí hậu vào năm 2030.

Báo cáo cho thấy loại thuế này có thể được thiết lập trong hệ thống thuế hiện có. Mức thuế 5 USD/tấn khí CO2 bắt đầu từ năm nay tại các nước OECD và tăng 5 USD/tấn mỗi năm sẽ cung cấp 900 tỷ USD cho quỹ khí hậu vào năm 2030. Các tác giả đề xuất 720 tỷ USD trong số này có thể được sử dụng để đóng góp vào Quỹ Tổn thất và Thiệt hại để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Số tiền còn lại có thể được sử dụng để giúp các cộng đồng ở các quốc gia giàu có trải qua quá trình chuyển đổi xanh phù hợp với các mục tiêu quốc gia.

 
Một số tổ chức ủng hộ đề xuất trong báo cáo trên gồm có Greenpeace, Stamp Out Poverty, Power Shift Africa và Christian Aid. Giám đốc điều hành Greenpeace Anh, bà Areeba Hamid, giải thích "Chúng tôi cần sự lãnh đạo toàn cầu phối hợp để buộc ngành nhiên liệu hóa thạch ngừng khai thác và bắt đầu trả tiền cho những thiệt hại mà họ gây ra trên toàn thế giới. Thuế thiệt hại khí hậu sẽ là một công cụ mạnh mẽ để giúp đạt được cả hai mục tiêu là mở khóa hàng trăm tỷ USD tài trợ cho những người chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhanh chóng và công bằng khỏi nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới".

Quỹ Tổn thất và Thiệt hại được đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) ở Dubai năm  2023, sau nhiều năm các quốc gia thu nhập thấp gây sức ép nhằm phát triển một quỹ để giúp giảm bớt gánh nặng của các mối đe dọa khí hậu đối với các nước đang phát triển. Khoảng 200 quốc gia đã ủng hộ việc thành lập quỹ này.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu và không có phương tiện để giải quyết biến đổi khí hậu hoặc phát triển năng lực năng lượng tái tạo để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Quỹ được thành lập để giúp các quốc gia trên thế giới chống lại biến đổi khí hậu. Đại diện từ 24 quốc gia hiện phải quyết định hình thức của quỹ, quốc gia nào nên đóng góp và tiền sẽ được phân phối ở đâu và như thế nào.

Cuộc họp hội đồng quản trị đầu tiên của Quỹ Tổn thất và Thiệt hại dự kiến diễn ra ở Abu Dhabi vào tuần tới, nơi hội đồng sẽ chọn ra một đơn vị chủ trì quỹ, dự kiến là Ngân hàng Thế giới, cũng như thảo luận về các vấn đề chi tiết khác.

Hiệp định Paris về khí hậu nêu rõ các quốc gia giàu có có trách nhiệm lớn hơn trong việc giải quyết biến đổi khí hậu vì họ là những quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất trong lịch sử. Các quốc gia thu nhập cao tham gia các hội nghị thượng đỉnh COP đã nhiều lần tuyên bố cam kết huy động nguồn tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu (không chỉ riêng địa phương), bằng cách đóng góp vào phát triển năng lực năng lượng tái tạo ở các quốc gia thu nhập thấp và hỗ trợ họ chống lại biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít việc được thực hiện để huy động các nguồn tài chính này và phát triển các dự án mới. Việc huy động tiền thông qua việc đánh thuế các nhà sản xuất dầu khí ở các quốc gia giàu có và gây ô nhiễm nhiều như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Canada có thể giúp huy động nguồn tài chính cho các nước đang phát triển, cũng như thu hút đầu tư lớn hơn vào Quỹ trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục