Thuế nhôm thép của Mỹ: Lợi bất cập hại

17:28' - 11/02/2025
BNEWS Thuế đối với nhôm, thép nói trên mang đến rủi ro lạm phát vào thời điểm người dân Mỹ đang lo ngại về tình hình giá cả leo thang và lo sợ rằng lạm phát sẽ vượt mức tăng thu nhập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 đã loại bỏ các ngoại lệ và miễn trừ khỏi chính sách thuế quan đối với thép được áp dụng từ năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế tối thiểu 25%. Ông Trump cũng tăng thuế nhôm từ 10% lên 25%.

 

Thuế đối với nhôm, thép nói trên mang đến rủi ro lạm phát vào thời điểm người dân Mỹ đang lo ngại về tình hình giá cả leo thang và lo sợ rằng lạm phát sẽ vượt mức tăng thu nhập.

Động thái này là một phần trong nỗ lực mạnh mẽ của Tổng thống Trump nhằm thiết lập lại thương mại toàn cầu. Ông Trump cho rằng việc tăng thuế đối với người dân và các công ty mua sản phẩm nước ngoài cuối cùng sẽ giúp củng cố ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo Viện sắt thép Mỹ, các mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh, khi bốn nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là Canada (Ca-na-đa), Brazil (Bra-xin), Mexico (Mê-hi-cô) và Hàn Quốc. Chính sách thuế quan mới nói trên ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ Canada, nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ. Bà Candace Laing, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Canada, cho rằng ông Trump là một nhân tố gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Bà Laing nhận định rằng thông tin này cho thấy rõ ràng rằng sự bất ổn sẽ còn tiếp diễn.

Ông Benn Steil, Giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn phi đảng phái có trụ sở tại New York, đã đặt câu hỏi về lợi ích thực sự của Mỹ từ các mức thuế mới. Ông cho rằng Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại từ việc áp thuế này, trong đó có giá cao hơn cho người tiêu dùng, thuế trả đũa ở nước ngoài và mất việc làm cũng như khả năng cạnh tranh của các công ty bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào cao hơn.

Mặc dù thuế quan có thể giúp cải thiện tình hình tài chính của các nhà máy thép và nhà máy luyện nhôm, nhưng chúng cũng có thể làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất sử dụng các kim loại này làm nguyên liệu thô để sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác.

Ông Glenn Stevens Jr., Giám đốc điều hành của MichAuto, cho rằng ngành công nghiệp ô tô có thể sẽ phải tăng giá để đối phó với thuế quan. Từ đó, giá cao hơn sẽ làm giảm doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến giảm việc làm tại các nhà máy. Vì thế, ông Stevens phản bác tuyên bố của Tổng thống Trump rằng các chính sách của ông sẽ kích thích tăng trưởng việc làm đáng kể trong ngành công nghiệp ô tô.

Người tiêu dùng dường như đã lường trước rằng lạm phát sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn. Kết quả sơ bộ tháng Hai từ Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan được công bố tuần trước cho thấy các mức dự đoán về lạm phát trong năm tới đã tăng từ mức 3,3% trong tháng trước lên 4,3%.

Ông Erica York, Phó chủ tịch chính sách thuế liên bang của tổ chức nghiên cứu Tax Foundation, cho biết Mỹ có nhiều doanh nghiệp sử dụng thép và nhôm (như xây dựng, sản xuất máy móc thiết bị, và sản xuất ô tô) hơn là các doanh nghiệp sản xuất thép và nhôm. Vì vậy, lợi ích mà các nhà sản xuất thép và nhôm nhận được từ việc áp thuế sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn cho các doanh nghiệp sử dụng thép nhôm làm nguyên liệu đầu vào.

Khi ban hành các mức thuế nói trên, Tổng thống Trump lập luận rằng thuế nhập khẩu cuối cùng sẽ khuyến khích việc mở thêm nhiều nhà máy thép và nhôm tại Mỹ để tránh phải chịu thuế. Ông tin rằng điều này sẽ dẫn đến việc giảm giá thành sản phẩm vì thép sẽ được sản xuất trong nước, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ.

Ông Howard Lutnick, người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại, cho biết việc tăng cường thuế quan sẽ mang lại 120.000 việc làm cho Mỹ. Trước đó, ngành công nghiệp kim loại chính đã có thêm khoảng 14.000 việc làm trong 12 tháng đầu tiên sau khi khi thuế nhôm thép được áp dụng lần đầu trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, mặc dù mức tăng này đã nhanh chóng bị xóa sổ bởi đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Ông Panos Kouvelis, Giáo sư chuyên ngành chuỗi cung ứng tại Đại học Washington ở St. Louis, đã có một bài báo nghiên cứu cho thấy thuế quan năm 2018 không mang lại một ngành sản xuất mạnh hơn như ông Trump đã hứa. Giáo sư Kouvelis nhấn mạnh rằng nếu giá cả tăng thì nhu cầu sẽ giảm. Ông kết luận rằng cần có các chính sách công nghiệp thông minh và có mục tiêu, thay vì áp thuế quan chung cho tất cả mọi thứ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục