Thuế thương mại điện tử - Bài 2: Khó xác định đối tượng quản lý thuế

16:20' - 30/06/2022
BNEWS Hoạt động thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh trên phạm vi rộng, nhưng việc quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này lại đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, khả năng thất thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử rất lớn khi các cơ quan quản lý khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh. Hiện có một số tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học Viện Tài chính cho rằng, Việt Nam đang thất thu những khoản thuế từ lĩnh vực này với cả thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử nội địa. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó có thể kiểm soát được. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.

Để tránh nộp thuế, chị T.T.T chuyên kinh doanh các sản phẩm gia dụng trên mạng xã hội đã sử dụng một số "chiêu" như thuê người đi giao hàng lấy tiền trực tiếp, hoặc thay đổi nội dung chuyển khoản và sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng cùng một lúc.  

Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành thuế đã phát hiện nhiều cá nhân phải nộp thuế có thu nhập nhận được từ các mạng xã hội Facebook, Google… Chẳng hạn tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ đồng. 

Cơ quan thuế Tp. Hồ Chí Minh cũng phát hiện một cá nhân kênh YouTube có thu nhập 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017.

Các số liệu cho thấy một thực tế, nguồn thu thuế đối với nhóm cá nhân có thu nhập lớn từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online;...) rất lớn.


Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước, hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. Cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/24 giờ và tất cả các ngày trong tuần.

Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa hoàn thiện, việc quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán… còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, đối tượng nộp thuế thường tìm mọi cách lách luật để tránh nộp thuế như không đăng ký kinh doanh; không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước; không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn, nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

Ngoài ra, đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nhưng không có văn phòng đại diện, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng Internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn về cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng thừa nhận có nhiều khó khăn trong việc thu thuế thương mại điện tử như khả năng quản lý đối tượng người nộp thuế, không xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh.

Cùng với đó là hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua các trang mạng điện tử diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả các ngày trong tuần, nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng bởi với sự phát triển của nền kinh tế số, những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử gồm cả trong và ngoài nước nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ.

"Việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng số như Zalo, hay thanh toán nhận hàng trả tiền (hình thức COD) là vấn đề mới, khó và hiện thất thu thuế lớn do các máy chủ đặt ở nước ngoài", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục