Thuế thương mại điện tử - Bài 3: Sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý thuế

16:28' - 30/06/2022
BNEWS Thời gian qua, ngành Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý thuế đối với thương mại điện tử và đã có kết quả tích cực.
Kinh doanh thương mại điện tử là xu thế tất yếu và ngày càng phát triển mạnh trong nền kinh tế số. Chính điều này đã khiến ngành thuế phải có những giải pháp phù hợp, nhất là việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế để vừa chống thất thu cho ngân sách vừa đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

Thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý thuế đối với thương mại điện tử và đã có kết quả tích cực. Cụ thể, như các tổ chức tại Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên nền tảng số. Một số cá nhân có thu nhập lớn từ việc cung cấp sản phẩm nội dung số (game online, video, music, clip...) cho các nền tảng Youtube, Apple, Google... đã tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.


Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, số thuế thu của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng dần theo từng năm,  năm 2018 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng...
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, đồng thời Tổng cục Thuế đã có một số công văn gửi các bộ, ban, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, đặc thù của thương mại điện tử với số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh rất lớn, khó xác định, khó nhận diện và khó để quản lý thu thuế theo các cách quản lý thuế truyền thống.
 
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, để quản lý thuế cũng như chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử được hiệu quả, thì cần có sự tham gia và phối hợp giữa ngành thuế và các cơ quan Nhà nước khác; trong đó có các ngân hàng.
 
Bên cạnh yêu cầu ngân hàng thực hiện việc khấu trừ, trích nộp như trên, theo Luật sư Hà Huy Phong, Bộ Tài chính cũng nên tìm cách phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… đưa ra các quy định buộc các đối tượng nộp thuế có trách nhiệm mở tài khoản và ủy quyền cho ngân hàng tự động khấu trừ vào số dư tài khoản của khách hàng để thực hiện nghĩa vụ thuế.
 
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cần siết chặt hơn nữa các luồng hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, siết chặt việc thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định đối với việc mua bán trên sàn thương mại điện tử phải thanh toán qua ngân hàng, có như vậy cục thuế mới kiểm soát được dòng tiền và có thể thực hiện các việc liên quan đến nghĩa vụ thuế.
 
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính thì nếu các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên mạng không kê khai nộp thuế thì cần có cơ chế phạt, thậm chí phạt thật nặng như cấm kinh doanh hoặc phạt tiền với mức cao để buộc họ phải thực thi đúng quy định của pháp luật.
 

 

Tổng cục Thuế vừa cho ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và ứng dụng eTax Mobile để thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. 

 
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là công cụ hữu hiệu để cơ quan thuế kiểm soát được nguồn thu từ các giao dịch thương mại điện tử, kể cả giao dịch xuyên biên giới. 
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các quy định về quản lý thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp đã và sẽ được sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra các sàn thương mại điện tử, Zalo, Facebook và một số nền tảng khác, để truy thu thuế. 
 
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngành tài chính sẽ phải xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu qua hệ thống ngân hàng.
 
Hiện Bộ Tài chính đã và đang triển đề án: “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, đối với lộ trình ngắn hạn từ nay đến hết năm 2023, ngành thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường quản lý thông qua việc tăng cường một số giải pháp quan trọng như tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hoá quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin…; đồng thời thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử.
 
Đối với lộ trình dài hạn, đến hết năm 2025, ngành thuế nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử nói chung và quản lý thuế nói riêng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và đơn vị có liên quan ký thoả thuận hợp tác; hiện đại hóa quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục