Thuốc chữa bệnh sẽ thiếu trầm trọng trên toàn EU nếu Brexit "cứng"

16:03' - 12/08/2019
BNEWS Tình trạng thiếu một số loại thuốc có thể trở nên trầm trọng hơn ở châu Âu nếu xảy ra một Brexit không thỏa thuận.

Trong bối cảnh thời hạn chót 31/10 để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang cận kề, các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng thiếu một số loại thuốc có thể trở nên trầm trọng hơn ở châu Âu nếu xảy ra một Brexit không thỏa thuận.

Sau khi Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Anh hồi tuần trước cảnh báo kịch bản rời EU một cách hỗn loạn vì không có thỏa thuận về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU sẽ gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm. các công ty dược phẩm đã bày tỏ mối quan ngại tương tự về thuốc.

Các hãng dược phẩm ở Anh thậm chí còn đặt chỗ trước với các hãng hàng không để vận chuyển dược phẩm khi cần thiết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung dược phẩm là không thể tránh được, với những tác động không chỉ xảy ra tại Anh.

Theo báo cáo của Quốc hội Anh, mỗi tháng có khoảng 45 triệu hộp thuốc được vận chuyển từ Anh tới các nước còn lại trong EU.

Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thuốc của Anh sang EU ước đạt gần 12 tỷ bảng (14,5 tỷ USD). 

Trong khi đó, các cơ quan quản lý và đại diện ngành dược phẩm cũng cho rằng việc tăng cường kiểm soát hải quan tại các cảng và khu vực biên giới giữa Anh và EU cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung thuốc và các hợp chất hóa học cần thiết để bào chế thuốc.

Ông Andy Powrie-Smith thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm châu Âu (EFPIA) cảnh báo mặc dù ngành dược phẩm đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi kịch bản, song một Brexit không thỏa thuận có thể gây rủi ro và làm gián đoạn hoạt động cung cấp thuốc trên toàn EU.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết EU đã chuẩn bị tốt cho Brexit và đã hoàn tất việc cấp phép cho gần như tất cả 400 loại thuốc. 

Tuy nhiên, một quan chức EMA cho biết hiện vẫn còn 3 loại thuốc đang chờ được cấp phép kinh doanh trên toàn EU.

Nhiều loại thuốc thiết yếu khác cũng có thể không được cấp phép vì vấp phải các rào cản giám sát do Brexit. EMA là cơ quan duy nhất có thể cấp phép kinh doanh tại EU đối với các loại thuốc mới để điều trị các bệnh phổ biến và nghiêm trọng nhất, trong đó có ung thư, tiểu đường và cúm.

Trong khi đó, nhiều loại thuốc khác vốn đã được cấp phép kinh doanh ở cấp độ quốc gia cũng có thể đứng trước nguy cơ, theo đó, gần 6.000 loại trong số này sẽ cần trải qua một quy trình cấp phép mới sau Brexit.

Nhiều quốc gia EU hiện đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc do các vấn đề liên quan đến sản xuất, quản lý hoặc phân phối.

Kết quả cuộc khảo sát đối với 21 quốc gia châu Âu cho thấy tất cả những nước này đã bị thiếu thuốc trong năm ngoái, trong đó vaccine bị cho là thường xuyên bị thiếu nhất.

Những cảnh báo đối với nguồn cung dược phẩm được đưa ra trong bối cảnh Anh vừa có lãnh đạo mới khi chỉ còn vài tháng nữa là đến hạn chót chính thức rời EU vào ngày 31/10 tới.

Kịch bản "Brexit cứng" không thỏa thuận càng hiện hữu khi tân Thủ tướng Boris Johnson khẳng định Anh sẽ ra đi vào ngày 31/10 bất kể có hay không có thỏa thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục