Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Hàn Quốc hy vọng đột phá về các dự án liên Triều

19:16' - 28/02/2019
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần hai đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, tuy nhiên giới doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn hy vọng sẽ có những đột phá cho các dự án hợp tác liên Triều.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần hai đã kết thúc tại Hà Nội ngày 28/2 mà không đạt được thỏa thuận về những vấn đề quan trọng liên quan đến các lệnh trừng phạt và tiến trình phi hạt nhân hóa, tuy nhiên giới doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn hy vọng sẽ có những đột phá cho các dự án hợp tác liên Triều trong tương lai.

Một quan chức tại tập đoàn Hyundai Asan cho biết: “Kết quả hội nghị không được như mong muốn, song chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị cho các dự án kinh doanh liên Triều với hy vọng nối lại các hoạt động đã bị trì hoãn”.

Trong khi đó, Hiệp hội các công ty Hàn Quốc vận hành những nhà máy tại Khu công nghiệp chung Kaesong ở thành phố cùng tên bày tỏ "rất đáng tiếc" về kết quả hội nghị, song khẳng định điều này không có nghĩa là “sự kết thúc” và cho rằng “những vấn đề quan trọng có thể được giải quyết”.

Trước hội nghị, giới chuyên gia nhận định cuộc gặp thành công giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng mở đường cho việc nối lại các tour du lịch bị dừng từ lâu đến Núi Kumgang trên bờ biển phía Đông của Triều Tiên và mở lại khu công nghiệp Kaesong đang bị đóng cửa.

Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp lịch sử đầu tiên hồi tháng 6/2018 tại Singapore và nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đổi lại các đảm bảo an ninh của Mỹ và một "quan hệ mới" với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó, tiến độ đàm phán bị chững lại.

Bình Nhưỡng muốn các trừng phạt được dỡ bỏ sau khi họ đã tiến hành các bước phi hạt nhân hóa, tuy nhiên Washington yêu cầu các hành động cụ thể hơn để đảm bảo cho cam kết này.

Bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa dường như ảnh hưởng tới quan hệ liên Triều, đặt Hàn Quốc vào thế bị kẹt giữa việc Triều Tiên đề nghị các trao đổi tích cực xuyên biên giới với việc Mỹ kêu gọi thực thi nghiêm nhặt các lệnh trừng phạt, vốn cấm hầu hết các giao dịch với Bình Nhưỡng.

Một ví dụ cho thấy các trừng phạt làm đình trệ hợp tác kinh tế toàn diện là khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang, hai dự án được coi là những biểu tương quan trọng cho sự hàn gắn liên Triều nhưng đã phải ngừng trong hai năm qua.

Các chướng ngại dường như đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho việc nối lại các dự án này, khi hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018 nhất trí "bình thường hóa" hai dự án trên.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên đã khiến các doanh nhân cũng không thể đến khu Kaesong để kiểm tra trang thiết bị của mình đã bị bỏ không tại đây kể từ khi khu công nghiệp này đóng cửa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục