Thương hiệu quốc gia: Chìa khoá gia tăng giá trị doanh nghiệp và sản phẩm

17:12' - 20/04/2022
BNEWS Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam cũng tăng đáng kể.

Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự thăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh thông tin này tại Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa” do Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Tuần lễ được diễn ra từ ngày 18/4 – 24/4 nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 cũng như tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quảng bá các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ công nhận.

Ba năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia, nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Báo cáo từ Brance Finance cho thấy, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD và vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng liên tục qua các năm.

Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.

Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.

Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho hay, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Tại Diễn đàn, bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ cho biết, tiếp cận từ góc nhìn quốc tế” đã giúp các doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trong sự phát triển, nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp.

Do vậy, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao và khi quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.

Còn bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever đã đưa ra một số đề xuất để nâng cao hơn nữa về thương hiệu quốc gia Việt Nam một cách toàn diện; trong đó, nâng cao chất lượng cuộc sống - giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cải thiện tính bền vững, khôi phục du lịch sau COVID-19 và xây dựng các thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực.

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 đã có phiên tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế.

Điều này nhằm làm rõ hơn những ý tưởng để cộng đồng doanh nghiệp vận dụng trong câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là việc quảng bá thương hiệu thông qua hệ thống kiều bào và mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ.

Cũng tại tọa đàm, việc tận dụng những lợi thế của thương hiệu quốc gia đem lại trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn.

Từ đó, thông qua tọa đàm có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng hiệu quả hơn, chắp cánh cho Thương hiệu Việt Nam bay cao hơn và xa hơn trên bản đồ thương hiệu thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục