"Thương hiệu" riêng của Quảng Ninh

10:12' - 02/10/2017
BNEWS Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (one commune on product) đang ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Chính vì vậy, việc liên kết các hợp tác xã theo quy trình sản xuất - chế biến - xây dựng nhãn hiệu - tiêu thụ hàng hoá nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững có ý nghĩa sống còn đối với khu vực hợp tác xã và trở thành xu thế tất yếu của thị trường hiện nay.

Cũng trong guồng quay ấy, tại Quảng Ninh, các hợp tác xã cũng đang bắt tay tham gia chuỗi giá trị sản xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã ngày càng bền vững hơn.

Hoa Hoành Bồ trở thành hương hiệu OCOP Quảng Ninh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Liên kết chặt chẽ

Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã liên kết chặt chẽ các hợp tác xã trong tỉnh, sau đó mở rộng trên quy mô vùng và cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các hợp tác xã sớm thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 để những hợp tác xã này tiếp cận với các chính sách ưu đãi mới.

Theo ông Nguyễn Văn Nghi, Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (one commune on product) gọi tắt là OCOP đang ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, để có được thương hiệu OCOP như hiện nay, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập các hợp tác xã, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao cho thị trường tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm, chỉ đạo sát sao quản lý nhà nước theo lĩnh vực.

Từ sự vào cuộc quyết liệt đó đã giúp cho khu vực kinh tế tập thể của tỉnh phát triển, số lượng hợp tác xã không ngừng tăng ở nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được 29 hợp tác xã, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành nông nghiệp, trở thành điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh.

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua trên địa bàn đã có nhiều hợp tác xã mới thành lập ở những vùng có sản xuất hàng hóa phát triển và các điều kiện về quy mô phù hợp, trình độ cán bộ quản lý tương đối tốt, đặc biệt đã có sự liên kết với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của một số hợp tác xã vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, chưa có tính cạnh tranh, sản phẩm có tính hàng hóa chưa nhiều.

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ công nghiệp Phú Hải (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều - Quảng Ninh) - chuyên sản xuất hương xuất khẩu, là một trong những mô hình hợp tác xã có liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến đầu ra.

Toàn bộ khâu đầu vào làm ra sản phẩm cây hương xuất khẩu gồm bột gỗ và bột than đều do hội viên hợp tác xã tận dụng thu mua trực tiếp từ các cơ sở chế biến hoặc các tổ hợp tác có nguyên liệu (bột gỗ, bột than) trên địa bàn tỉnh.

Riêng khâu sản xuất, nông dân “nhập vai” thành những công nhân làm chủ được khoa học, kỹ thuật, thiết bị máy móc và các công đoạn sản xuất ra cây hương.

"Thương hiệu" riêng của Quảng Ninh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Về đầu ra, hợp tác xã đã hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp, bạn hàng uy tín và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình ra thế giới.

Ông Vũ Đức Phú, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải chia sẻ, việc liên kết chuỗi giá trị là cách làm hay mà các hợp tác xã cần đẩy mạnh và nhân rộng.

Vấn đề cốt lõi trong liên kết hiện nay của các hợp tác xã là phải tính đến nhu cầu của thị trường. Chắc chắn việc liên kết sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn và ngày càng phát triển bền vững trên thị trường.

Đồng bộ giải pháp

Cùng với sự nỗ lực từ phía Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong việc xây dựng mô hình hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP, đến nay đã có 119 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất tham gia chương trình OCOP; trong đó có 33 doanh nghiệp, 35 HTX, 51 tổ hợp tác và đã xây dựng được 25 thương hiệu nông sản địa phương.

Để mô hình này ngày càng nhân rộng và phát triển bền vững, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh đang triển khai liên kết với các công ty, doanh nghiệp, viện cây trồng nhằm đưa các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao như sâu sát với cơ sở.

Mặt khác, phải kiên trì, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh Quảng Ninh các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống.

Ngoài ra, làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ hợp tác xã trong mọi lĩnh vực, tiếp tục mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, quan tâm hình thành thêm nhiều hợp tác xã và phải coi các hợp tác xã như những doanh nghiệp thực sự.

Ngoài ra, các địa phương phải thấy rõ vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách, cơ chế.

Đối với các hợp tác xã, Phó Chủ tịch tỉnh lưu ý cần kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường nhận thức và năng lực của đội ngũ này.

Cùng đó, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục