Thương mại điện tử: Giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp

08:50' - 21/08/2019
BNEWS Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Ngày 20/8, tại Bến Tre, hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng lãnh đạo ngành công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự hội thảo "Thương mại điện tử-giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp". Hội thảo do Sở Công Thương tỉnh Bến Tre phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.
Hội thảo nhằm chia sẻ và cập nhật thông tin về xu hướng phát triển thương mại điện tử trong nước và thế giới, định hướng phát triển thương mại điện tử của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Đồng thời, hội thảo cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tiếp cận với các nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử, từng bước khai thác có hiệu quả lợi ích mà thương mại điện tử mang lại, góp phần quảng bá thương hiệu, gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Cùng với đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm, thương hiệu đa dạng, gần như không giới hạn.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt và khai thác hết lợi thế của thương mại điện tử, mà vẫn tập trung vào kênh bán hàng truyền thống. Còn không ít doanh nghiệp chưa thấy hết hiệu quả mà thương mại điện tử đem lại nên thiếu sự quan tâm, đầu tư để khai thác tối đa thế mạnh của loại hình kinh doanh này.

 Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chế biến từ dừa. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại...

Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh trực tuyến mang tính sáng tạo và đầu tư hệ thống cung ứng với lượng sản phẩm hàng hóa dồi dào, có chất lượng tốt để tham gia vào thị trường, đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối, nhà nhập khẩu...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Việt Nam với tốc độ bình quân đạt trên 30%.Từ quy mô chỉ khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2018 con số này đã đạt mức 7,8 tỷ USD và dự kiến nếu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng này, đến năm 2020, quy mô của thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 13 tỷ USD.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Niệm, tại Bến Tre những năm qua lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, hỗ trợ điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp quan tâm, ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, buôn bán ngày càng nhiều.

Đáng chú ý, từ tháng 4/2019 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã phối hợp với VECOM và Tập đoàn Lazada triển khai chương trình "Ngày của làng Dừa Bến Tre Online". Đến nay, có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề dừa Bến Tre tham gia chương trình, bán được 1.877 sản phẩm các loại từ dừa.
Ông Nguyễn Văn Niệm cho biết thêm, hiện tại Sở Công Thương Bến Tre đang triển khai kế hoạch xây dựng sàn thương mại điện tử "đặc sản Bến Tre" nhằm quảng bá, bán hàng cho doanh nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ thiết kế, xây dựng thương mại điện tử cho 13 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển thương mại điện tử như: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo; tiếp tục phối hợp Lazada mở rộng đối tượng ngành hàng, mời doanh nghiệp tham gia bán hàng trên lazada.vn; hỗ trợ xây dựng website miễn phí cho doanh nghiệp; xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm, bao bì, tem nhãn tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia bán hàng trực tuyến…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục