Thương mại điện tử: Làm sao để chính sách bắt nhịp với thị trường?

08:30' - 05/04/2019
BNEWS Bên cạnh sự tăng trưởng như vũ bão của thương mại điện tử là những thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Chỉ cần một vài click chuột, một món hàng sẽ được đưa đến tận tay người tiêu dùng mà không mất thời gian ra ngoài tìm kiếm, chọn lựa.

Thương mại điện tử đang là lựa chọn tối ưu và mang lại sự tiện lợi cho cả người bán và người mua.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển quá nhanh khiến chính sách đi kèm vẫn chưa theo kịp và tạo ra nhiều lỗ hổng về quản lý trong lĩnh vực này.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần một chế tài đủ mạnh để sớm khắc phục những tồn tại từ bấy lâu nay.

Bắt nhịp thị trường

Cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử được đánh giá là đã có bước phát triển mạnh mẽ, theo kịp xu hướng kinh doanh hiện đại.

Hơn nữa, thương mại điện tử tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp, buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm dịch vụ.

Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước như: Shopee, FPT, Tiki, Thegioididong, Sendo, thương mại điện tử Việt còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín trên thế giới: Alibaba, Amazon, Lazada.

Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho thấy, tổng doanh thu của các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017.

Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 6 tỷ USD. Trong 4 năm từ 2016 - 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Với kết quả đó, Việt Nam vươn lên Top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau những “ông lớn” như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 35% trong năm nay.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, ông Nguyễn Trần Thi, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh cho hay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam mỗi năm tăng trưởng lên đến 100% nhờ đại đa số giới trẻ đều dùng internet và xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng như vũ bão của thương mại điện tử là những thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí có sự giả mạo các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo người mua gây thiệt hại kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động thương mại điện tử và các doanh nghiệp chân chính...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: dù phát triển nhanh nhưng hầu hết các sàn giao dịch chưa công khai minh bạch quy định về quyền và nghĩa vụ của người mua.

Hơn nữa, do nhân lực yếu và thiếu dẫn đến việc hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái vẫn được công khai rao bán tại các sàn gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, song hành cùng với sự phát triển tích cực, hoạt động thương mại điện tử đang tồn tại không ít mặt trái về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu.

Vì vậy, đây là thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững.

Khắc phục khiếm khuyết

Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua tổng hợp tình hình thực tế trên địa bàn, việc xử lý thông tin và phát hiện website vi phạm đang gặp nhiều trở ngại.

Bởi theo ông Chu Xuân Kiên, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng do chế tài yếu, lực lượng mỏng kèm theo trang thiết bị thô sơ nên rất khó yêu cầu chủ kinh doanh thừa nhận bởi ngay tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã cho dừng, đóng, khóa trang web.

Không những thế, các website này thường lôi kéo người tiêu dùng bằng những hình ảnh thật của chính hãng sản xuất với giá rẻ. Nhưng khi giao hàng, người tiêu dùng chỉ nhận các hàng hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc và hàng gia công rẻ tiền không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng còn sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách gây khó khăn cho lực lượng trong kiểm soát hàng hóa và xử lý hành vi vi phạm.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ có những kế hoạch cao điểm để bước đầu xử lý những vấn đề gian lận thương mại trên môi trường internet.

Bởi vậy, tới đây lực lượng cũng sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng.

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, thuế… để làm tốt việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử nói riêng và thị trường cả nước nói chung.

Ở một khía cạnh khác, kể từ khi Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn về sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ cổng thanh toán, quy định quản lý tên miền…đang thu được nhiều kết quả tích cực.

Do vậy, theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để có thể đấu tranh chống lại gian lận thuế trong thương mại điện tử, rất cần đội ngũ nhân lực không chỉ thực sự am hiểu lĩnh vực thuế, kế toán, ngoại ngữ, mà còn có những kiến thức nhất định về công nghệ thông tin.

Hơn nữa, nhằm tăng cường kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, bảo đảm bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành sao cho phù hợp với sự phát triển cũng như thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, nhằm khắc phục những lỗ hổng trong thương mại điện tử, thời gian tới, Cục sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.

Bên cạnh đó, ông Đặng Hoàng Hải cũng lưu ý, doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử, Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực này phát triển. Vì thế, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử./.

>>> Làm sao để phát triển thương mại điện tử?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục