Thương mại vùng biên Việt - Trung dần xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối”
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trên bộ hơn 118km và trên biển 191 km với Trung Quốc. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Quảng Ninh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Trung Quốc. Đặc biệt ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên đã hợp tác toàn diện với mọi cấp, mọi ngành, trên cả bình diện song, đa phương, là hình ảnh thu nhỏ của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, trở thành quan hệ kiểu mẫu trong quan hệ cấp địa phương hai nước. Từ năm 2016 - 2021, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Khu ủy Quảng Tây đã ký kết 1 bản thoả thuận về tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương kết; 5 biên bản “Hội đàm đầu xuân” và 4 biên bản ghi nhớ Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn (Việt Nam) với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ, quản lý lao động qua biên giới... Nội dung hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc. Thông qua các quan hệ hợp tác này, tỉnh Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới; đấu nối giao thông đường bộ, mở và nâng cấp cửa khẩu; hợp tác quản lý biên giới, duy trì an ninh, an toàn trật tự, phòng chống tội phạm trên khu vực biên giới góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới hai bên. Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tỉnh Quảng Ninh đạt 2.787 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 1.114 triệu USD, nhập khẩu đạt 980 triệu USD, loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 695 triệu USD.Trong số này, thành phố Móng Cái giá trị xuất khẩu đạt 1.093 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.039 triệu USD và tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan là 694 triệu USD; huyện Hải Hà có giá trị xuất khẩu 3,5 triệu USD, nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD; huyện Bình Liêu có giá trị xuất khẩu 16,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 65,9 triệu USD. Ngày 16/7/2020, hai Tỉnh - Khu đã chính thức thông quan cầu Bắc Luân II thuộc cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Hai Tỉnh - Khu cùng phối hợp hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung để sớm công bố chính thức cửa khẩu song phương; tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các thủ tục nội bộ để triển khai xây dựng cầu thay thế tạm thời đường tràn qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa. Về đầu tư, đến nay, Quảng Ninh có 3/65 dự án FDI có vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Quảng Tây, Trung Quốc thực hiện ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20,2 triệu USD; hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, du lịch dịch vụ và xây dựng. Các dự án đã hoàn thành đầu tư và đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các hoạt động lữ hành du lịch quốc tế của Quảng Ninh bị tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một số cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng với Trung Quốc đã được khôi phục và hoạt động trở lại.Cụ thể: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Cầu Bắc Luân II mở lại từ ngày 7/2/2020; lối mở Km3+4 (thông quan hàng hóa từ ngày 25/2/2020); cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) mở ngày 2/3/2020; cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) được thông quan hàng hóa từ ngày 18/6/2020 và đến ngày 6/7/2020 bắt đầu có hoạt động xuất nhập khẩu.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã tác động lớn đến mọi hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bị tạm dừng, gây gián đoạn, chậm tiến độ, giảm hiệu quả hoạt động hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây… Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền, các ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương của tỉnh thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, bám sát tình hình, chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa triển khai các hoạt động hợp tác với Quảng Tây.Các cơ quan chức năng, địa phương biên giới của tỉnh đã phối hợp với cơ quan, địa phương tương ứng của Quảng Tây triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường hợp tác trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời duy trì các hoạt động hợp tác về thương mại, xuất nhập khẩu, quản lý biên giới bằng các hình thức phù hợp.
Điển hình tại vùng biên Móng Cái, từ đầu năm 2021 đến nay, chính quyền thành phố đã tổ chức 5 cuộc hội đàm với phía bạn thống nhất hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên.Cụ thể: Thống nhất báo cáo, tham mưu cấp trên hai bên trong vấn đề xây dựng cầu bê tông thông quan hàng hóa tại Cầu phao Lối mở Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên mậu Đông Hưng, nâng cấp Lối mở thành Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) giữa hai nước; Thống nhất giao cho Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Cục Thương vụ và quản lý cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) phối hợp, tham mưu xây dựng Đề án hợp tác thúc đẩy logistics khâu vận tải qua các cửa khẩu, lối mở/cặp chợ thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Thống nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên thực hiện việc nhập khẩu hàng Trung Quốc sang Việt Nam qua lối mở Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên mậu Đông Hưng; vận chuyển 9 loại hoa quả trong nước và hàng hoa quả quá cảnh từ Thái Lan qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II sang thành phố Đông Hưng (Trung Quốc); tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh chóng, thuận lợi gắn với phòng chống dịch COVID-19… Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng môi trường xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái vẫn tiếp tục được cải thiện; hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng theo hướng chính ngạch; số lượng doanh nghiệp mới về hoạt động tăng, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tăng, số lượt phương tiện và khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng.Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (hết 31/5) đạt 1.470 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2020: Kim ngạch nhập khẩu đạt 628 triệu USD (giảm 28% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu đạt 842 triệu USD (tăng 103% so cùng kỳ); thu ngân sách nhà nước đạt 369,7 tỷ đồng (giảm 20,8% so với cùng kỳ).
Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước tổ chức triển khai có hiệu quả các thỏa thuận giao lưu hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực đã ký với phía Quảng Tây.Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương biên giới của tỉnh duy trì mối quan hệ với các cơ quan, địa phương tương ứng phía Quảng Tây trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh kết nối giao thông, nâng cấp cửa khẩu song phương, tiến hành thuận lợi thông quan hàng hóa, từng bước khôi phục hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch... trên biên giới./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thương mại vùng biên Việt Nam - Trung Quốc: Hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu
08:11' - 28/06/2021
Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc nói chung và các tỉnh biên giới hai nước nói riêng đang duy trì đà phát triển ổn định, có tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
22:25' - 24/04/2025
Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác dầu khí với Algeria
20:12' - 24/04/2025
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với Nghị sỹ Saleh Djeghloul, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam sang công tác tại Hà Nội từ ngày 21 - 26/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Áp lực cho logistics Việt trên đường đua số và xanh
19:49' - 24/04/2025
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025: Cửa ngõ kết nối toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam
19:16' - 24/04/2025
Tại GITEX Asia Singapore, Việt Nam gây ấn tượng với Gian hàng Việt Nam và “Ngày Việt Nam” nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam với toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch
17:59' - 24/04/2025
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm từ gốc
17:13' - 24/04/2025
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định, các cơ sở đăng kiểm đã chủ động rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách
17:13' - 24/04/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24/4/2025 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách.
-
Kinh tế Việt Nam
TTXVN tổ chức gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
16:59' - 24/04/2025
Chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường?
16:25' - 24/04/2025
Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình