Thủy điện Sơn La và Lai Châu sẵn sàng trước mùa mưa bão năm nay

14:39' - 12/06/2021
BNEWS Công ty Thủy điện Sơn La đã sẵn sàng các giải pháp để ứng phó trước mùa mưa bão năm nay.

Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu là 2 công trình thủy điện lớn của nước ta và là 2 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Theo chia sẻ của ông Lưu Khánh Toàn, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, công ty đã sẵn sàng các giải pháp để ứng phó trước mùa mưa bão năm nay.

*4 tại chỗ, 3 sẵn sàng

Ông Lưu Khánh Toàn cho biết, công ty chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2021, công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trong đó có phân giao công việc cụ thể đến từng đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Công ty lập báo cáo gửi các cơ quan, ban ngành trước mùa mưa bão đầy đủ theo quy định của pháp luật như báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa tại thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu; báo cáo đánh giá An toàn đập trước mùa mưa lũ phục vụ hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện Sông Đà…

Đồng thời, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thông qua các quy chế phối hợp được cập nhât, bổ sung hàng năm; xây dựng và trình các cơ quan, ban ngành phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa tại thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu.

Công ty đã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị công nghệ như bảo dưỡng hệ thống tự dùng nhà máy, công trình xả lũ, các trạm bơm tiêu thoát nước, hệ thống camera, loa phóng thanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tiếp địa, chống sét, phương tiện trước mùa mưa lũ đảm bảo yêu cầu khi huy động. Từ 01/5/2021, công ty tổ chức trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ, gồm ban chỉ huy, các đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của công ty, với số lượng người đảm bảo yêu cầu khi huy động.

Để đảm bảo tuân thủ Quy trình điều tiết liên hồ chứa và vẫn giảm thiểu mức độ xả thừa, ông Lưu Khánh Toàn cho hay, công ty đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt dự báo được chuẩn xác lượng nước về hồ phục vụ tính toán cân bằng nước, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên nước phục vụ cho phát điện.

Giai đoạn 1, Công ty Thủy điện Sơn La đã lập trạm quan trắc lưu lượng nơi thượng nguồn sông Đà từ năm 2018 và thuê dịch vụ cung cấp số liệu quan trắc 20 điểm đo tự động trên lưu vực tại các vị trí còn thiếu điểm đo mưa mà ngành khí tượng thủy văn chưa được trang bị.

Giai đoạn 2, công ty được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện triển khai hai Đề án: Đề án mua sắm số liệu khí tượng thủy văn: Sẽ thực hiện lắp đặt bổ sung mạng lưới trạm quan trắc kết hợp với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn hiện có để có được đầy đủ cơ sở dữ liệu đầu vào cho dự báo lưu lượng về hồ được chuẩn xác phục vụ vận hành các hồ chứa theo thời gian thực.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được bổ sung trong Đề án là lắp đặt 81 trạm đo mưa tự động, 16 trạm thủy tự động, 02 trạm ra đa tại Mường Tè và Mộc Châu. Bên cạnh việc khai thác các bản tin dự báo do Trung tâm dự báo Quốc gia thực hiện, thì còn sử dụng bản tin của một đơn vị Nhật Bản về dự báo mưa  trên lưu vực sông Đà và sông Gâm. Hiện nay Đề án đã trình Tập đoàn xem xét phê duyệt thực hiện trong năm 2021.

*Phối hợp chặt chẽ

Trên bậc thang thủy điện sông Đà hiện có 5 công trình thủy điện; trong đó 3 công trình trên dòng chính sông Đà là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Hai công trình trên nhánh sông Nậm Mu (phụ lưu cấp 1) là  Huội Quảng, Bản Chát.

Công ty Thủy điện Sơn La được Tập đoàn EVN giao nhiệm vụ quản lý vận hành hai công trình Sơn La, Lai Châu là hai bậc thang trên cùng trực tiếp chịu ảnh hưởng vận hành của các hồ chứa bên Trung Quốc. Để chủ động trong vận hành, kiểm soát được lượng nước từ bên thượng nguồn và diễn biến mưa trên lưu vực, công ty đã lắp đặt một trạm thủy văn Kẻng Mỏ nơi thượng nguồn sông Đà và 20 điểm đo mưa trên lưu vực của hai công trình Sơn La, Lai Châu (trong đó có 05 trạm trên lưu vực hồ Bản Chát).

Các nhà máy đều trực thuộc quản lý của Tập đoàn nên việc phối hợp cung cấp trao đổi thông tin giữa Công ty với các nhà máy trên bậc thang luôn được kịp thời và chuẩn xác, đồng thời Công ty xây dựng quy chế phối hợp giữa công ty với các đơn vị khác. Do đó, tính toán được cân bằng nước trên toàn bậc thang và cùng với các nhà máy đề xuất, tham vấn cho Tập đoàn có ý kiến với Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương ra quyết định vận hành xả lũ được phù hợp nhất đảm bảo mục tiêu kép là an toàn công trình và khai thác tối ưu nguồn nước sử dụng cho phát điện./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục