Thuỷ sản Minh Phú nắm bắt cơ hội các FTA

09:06' - 18/10/2020
BNEWS Nhóm phân tích MBS kỳ vọng, với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành tại các thị trường trọng điểm, Minh Phú sẽ hưởng lợi lớn và tận dụng nhanh chóng đà tăng trưởng của ngành xuất khẩu tôm.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (mã MPC) là một trong những doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh một cách "ngoạn mục". Nửa đầu năm 2020, Thuỷ sản Minh Phú đạt được kết quả kinh doanh rất tích cực với lợi nhuận tăng trưởng mạnh. 

Trong nửa đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu tôm của Thuỷ sản Minh Phú ảnh hưởng nhiều do doanh thu bán vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng chiếm 50% nhưng các dịch vụ này bị đóng cửa chỉ còn hoạt động 20%. Do đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, Minh Phú ghi nhận doanh thu chỉ 5,580 tỷ đồng (giảm 26%) nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 270 tỷ đồng (tăng 49%). Tăng trưởng về mặt lợi nhuận đến từ việc cắt giảm chi phí nhân công, chi phí dịch vụ mua ngoài và các dịch vụ khác.

Thuỷ sản Minh Phú đang sở hữu 2 vùng nuôi với tổng diện tích 900ha và 2 nhà máy chế biến tôm với tổng công suất thiết kế lên tới 76.000 tấn/năm. Công ty đang dần tự chủ và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu.

Hiện tại, Thuỷ sản Minh Phú đang dần thay thế các khu vực nuôi truyền thống bằng công nghệ 2-3-4 bởi sản lượng thu từ công nghệ mới cao gấp 15 lần so với phương pháp cũ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế hiện nay là 12 - 20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%. Mới đây, những lô tôm đông lạnh Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất nhập khẩu về 0% theo cam kết EVFTA.

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành tại các thị trường trọng điểm, Minh Phú sẽ hưởng lợi lớn và tận dụng nhanh chóng đà tăng trưởng của ngành xuất khẩu tôm trong thời gian tới.

Các chuyên gia của MBS phân tích, ngoài hưởng lợi từ EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực từ tháng 1/2019, tạo ra cơ hội quý giá cho ngành tôm để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Canada và Australia.

Cụ thể, thuế nhập khẩu cho sản phẩm tôm đông lạnh từ Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay từ năm 2019, trong khi thuế cho sản phẩm tôm chế biến sẽ được xóa bỏ dần về 0% vào năm 2022. Những ưu đãi này tạo ra lợi thế lớn cho Minh Phú so với các đối thủ từ Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Đây là những thị trường không tham gia CPTPP và không được hưởng ưu đãi thuế.

Báo cáo của nhóm phân tích MBS khẳng định, trong năm 2019, Nhật Bản, Canada và Australia là những thị trường chủ đạo của Minh Phú, đóng góp tổng cộng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu.

EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu tôm từ Việt Nam tăng trưởng mạnh vào thị trường tiềm năng này. Tượng tự như CPTPP, ưu đãi từ EVFTA sẽ giúp Minh Phú có lợi thế so với các thị trường Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài sẽ tạo điều kiện cho tôm chế biến của Việt Nam tăng thị phần ở thị trường Mỹ trong tương lai.

Cụ thể trong năm 2019, giá trị xuất khẩu tôm chế biến từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 41,8%, dẫn đến thị phần giảm từ 50% (2018) xuống 29% (2019), do Mỹ tăng thuế với sản phẩm này.

Ngược lại, giá trị xuất khẩu tôm chế biến của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh 44% trong năm 2019, nâng thị phần từ 16% lên 23%. Tận dụng cơ hội này, Minh Phú đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột với công suất 40,000 tấn/năm với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

"Trong năm 2019, xuất khẩu tôm của Minh Phú chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu tôm từ Việt Nam đi Mỹ, 21% đi Nhật Bản và 41% kim ngạch đi Canada. Riêng thị trường EU, mặc dù thị phần xuất khẩu tôm của Minh Phú mới chỉ đạt 10,5% (2019), nhưng với sự tăng trưởng nhanh chóng từ 4,2% (năm 2017), chúng tôi kỳ vọng Minh Phú sẽ gia tăng được thị phần trong những năm tới nhờ vào EVFTA", báo cáo của nhóm phân tích MBS khẳng định.

Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cũng nhận định, MPC được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%.

Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của MPC vào EU là 11%. Giá trị xuất khẩu của MPC sang EU trong năm 2020 tăng từ 5-10% so với cùng kỳ sau khi Hiệp định có hiệu lực và dịch bệnh COVID-19 tại EU được kiểm soát tốt vào cuối năm.

Năm 2020 Thuỷ sản Minh Phú đặt kế hoạch sản lượng xuất khẩu là 56.700 tấn, tương đương giá trị xuất khẩu 638 triệu USD, giảm 1% so với năm ngoái. Cụ thể, kế hoạch doanh thu là 15.206 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận trước thuế là 994 tỷ đồng, tăng 100%.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, các thị trường chính của Minh Phú được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại, cùng với việc EVFTA có hiệu lực tạo cơ hội cho Công ty mở rộng thị phần tại thị trường này. Bốn thị trường chính bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Canada được dự báo đóng góp 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú trong 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục