VHC chờ cơ hội thị trường hồi phục sau dịch COVID-19

13:04' - 27/09/2020
BNEWS Từ quý 4 VHC có thể cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh nhờ việc kỳ vọng thị trường thế giới mở cửa trở lại và dịch COVID-19 được kiểm soát trên thế giới.

Kết thúc quý 2, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.630 tỷ đồng (-19,48%), lợi nhuận sau thuế đạt 215,44 tỷ đồng (-48,69%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VHC đạt 3.266 tỷ đồng (-14,36%), lợi nhuận sau thuế đạt 367,58 tỷ đồng (-49,46%).

Nguyên nhân chủ yếu do giá trị xuất khẩu sang các thị trường chính của VHC bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thị trường hồi phục sau dịch COVID-19 đang là cơ hội cho VHC nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào tháng 1 và tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc- thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn thứ 2 của VHC (chiếm 20% cơ cấu xuất khẩu năm 2019) và sau đó lan rộng sang các thị trường khác.

Kể từ thời điểm tháng 5/2020, hoạt động xuất khẩu có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường chính của VHC là Mỹ và Trung Quốc trong 2 quý đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kể từ thời điểm tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, hoạt động xuất nhập khẩu đã bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Theo đó, tính trung bình 6 tháng đầu năm 2020, giá cá tra xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 2,928 USD/kg (giảm 18,66% so với mức giá trung bình năm 2019) và 1,703 USD/kg (giảm 16,17% so với mức trung bình năm 2019).

Phân tích về hoạt động kinh doanh quý 2/2020 của VHC, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên kết quả kinh doanh đã được phản ánh rõ nét nhất trong quý 2/2020, khi dịch COVID-19 liên tục bùng phát trên thế giới, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu chính của VHC là Mỹ và Trung Quốc. 

Từ quý 4/2020, VCBS kỳ vọng VHC có thể ghi nhận một sự cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh nhờ việc kỳ vọng thị trường thế giới mở cửa trở lại và tăng nhập hàng tồn kho sau thời gian tạm hoãn các đơn hàng và dịch COVID-19 được kiểm soát trên thế giới.

"Mặc dù trong ngắn hạn, hoạt động xuất khẩu của VHC bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của dịch COVID-19 nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng những triển vọng tích cực trong dài hạn đến từ nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất collagen và gelatin của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với ưu thế là một trong những doanh nghiệp thủy sản đầu ngành, chúng tôi kỳ vọng VHC sẽ được hưởng lợi khi thị trường trong và ngoài nước hồi phục trở lại cũng như những lợi ích hiệp định EVFTA mang lại", báo cáo của nhóm phân tích VCBS nhấn mạnh. 

Trong kịch bản thận trọng, các chuyên gia của VCBS cho rằng kết quả kinh doanh của VHC sẽ bị sụt giảm trong năm nay với doanh thu thuần 2020 đạt 7.034,64 tỷ đồng (giảm 10,58%), lợi nhuận sau thuế đạt 874,64 tỷ đồng (-25,82%).

Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU được thực hiện sẽ mang đến những ưu đãi về thuế quan và thúc đẩy tỷ trọng đóng góp doanh thu của thị trường EU vào cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt nam.

Tháng 7/2020, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%; trong đó phần lớn thuế cao từ 6- 22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế).

Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. 

Cụ thể mức thuế nhập khẩu vào EU đối với các loại mặt hàng thủy sản như sau: tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm trong khi đó Thái Lan, Ấn độ và Indonesia chịu thuế cơ bản lần lượt là 12%, 4,2% và 4,2%.

Sản phẩm cá tra đông lạnh đang hưởng thuế GSP 5,5% sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm, trong khi các nước Indonesia sẽ vẫn chịu thuế GPS 5,5% và Trung Quốc chịu thuế cơ bản 9%.

Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18 - 24%.

Bên cạnh đó, ưu thế tại thị trường Mỹ khi thị trường xuất khẩu tăng trở lại nhờ vị thế trong ngành và được hưởng mức thuế ưu đãi.

Trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ, VHC đóng góp 53% và thị trường này cũng chiếm 54% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu của VHC năm 2019.

Kỳ vọng khi thị trường Mỹ tăng nhập hàng tồn kho từ cuối quý 4/2020 và đầu năm 2021 trong kịch bản thị trường thế giới ổn định trở lại, đặc biệt là kênh nhà hàng, khách sạn (hiện đang chiếm khoảng 60% doanh thu xuất khẩu của VHC tại thị trường Mỹ).

Hiệp hội thủy sản Việt nam (Vasep) dự báo giá trị xuất khẩu 2 quý cuối năm đạt hơn 4,6 triệu USD, theo đó cả năm 2020 xuất khẩu đạt hơn 8,2 triệu USD (giảm 0,8% ).

Việc lo ngại về tình hình xuất khẩu ảm đạm và nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát khiến các doanh nghiệp thu hẹp sản lượng thu mua từ các hộ nuôi trồng khiến lượng cá tra quá lứa trong ao chưa tiêu thụ được tăng cao, từ đó dẫn đến tâm lý e ngại thả nuôi thêm của nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhận định nếu trong quý 3/2020, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục