Thụy Sĩ lập đường dây nóng ngăn chặn ngược đãi người cao tuổi

11:15' - 03/04/2019
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ước tính tại Thụy Sĩ có gần 300.000 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực. Tình trạng này chủ yếu được ghi nhận tại các gia đình và cả ở các cơ sở dưỡng lão.

Ngày 2/4, ba tổ chức tại Thụy Sĩ đã thiết lập một đường dây nóng đầu tiên ở phạm vi quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng ngược đãi người cao tuổi.

Mục tiêu của việc thiết lập đường dây nóng này là tạo ra kênh liên lạc dành cho các nạn nhân và người nhà của họ, cung cấp trợ giúp nhanh chóng, ngăn ngừa ngược đãi người cao tuổi, và đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi.

Ông Jörg Rickenmann, điều phối viên tại Hiệp hội ngăn ngừa ngược đãi người cao tuổi “alter ego” của Thụy Sĩ, nhấn mạnh tình trạng bạo lực xảy ra không phải lúc nào cũng có chủ ý.

Với thực tế dân số già hóa và chi phí do vấn đề này mang lại, nguy cơ ngược đãi người cao tuổi gia tăng. Đây không phải là vấn đề mới bởi từ năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu vấn đề già hóa là một thách thức về sức khỏe cộng đồng cần được ưu tiên.

Thụy Sĩ đã nhận thức về vấn đề của người già từ những năm 1990 và thành lập các hiệp hội khu vực để ngăn ngừa tình trạng ngược đãi người cao tuổi.

Việc thành lập đường dây nóng ngăn ngừa ngược đãi người cao tuổi tại Thụy Sĩ tiếp tục là một bước tiến mới. Đường dây nóng cung cấp một số điện thoại và một trang web bằng 3 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ : tiếng Đức, Pháp và Italy - cho phép người cao tuổi, người thân của họ và các chuyên gia kết nối với 1 trong 3 tổ chức thành lập đường dây nóng tại các khu vực nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Italy của Thụy Sĩ.

Năm 2018, gần 200 trường hợp bạo lực đối với người cao tuổi đã được thông báo tới 1 trong 3 tổ chức nêu trên. Tuy nhiên chưa có số liệu thống kê chính thức về vấn đề này tại Thụy Sĩ.

Trong 80% các trường hợp, tình trạng ngược đãi diễn ra tại nhà, trong các gia đình, hoặc từ những người láng giềng, và 20% còn lại được ghi nhận ở các cơ sở dưỡng lão.

Các nạn nhân thường không dám lên tiếng về việc bị ngược đãi do lo ngại sẽ không được tin tưởng, coi trọng, thậm chí là lo sợ bị trả thù.

Từ năm 2002, Hiệp hội alter ego đã cung cấp một chương trình đào tạo tại các cơ sở dưỡng lão. Tổng cộng, 14.000 chuyên gia y tế xã hội đã tham dự các khóa đào tạo này ở khu vực nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ.

Trong thời gian tới, các tổ chức thành lập đường dây nóng ngăn ngừa tình trạng ngược đãi người cao tuổi tại Thụy Sĩ cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi trên qui mô toàn quốc.

Tại khu vực nói tiếng Đức của Thụy Sĩ, dự án đào tạo được điều hành bởi Tổ chức Unabhängige Beschwerdestelle für das Alter (UBA), và tại khu vực nói tiếng Italy là tổ chức Pro Senectute Ticino e Moseano./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục