Thụy Sỹ tập trung thúc đẩy hiệp định thương mại tự do

09:14' - 05/02/2025
BNEWS Thụy Sỹ luôn tận dụng hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos làm nền tảng chính cho các hoạt động ngoại giao thương mại.

Không lâu sau khi hội nghị của WEF tại Davos kết thúc, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ ngày 4/2 đã ra thông cáo báo chí với nhan đề “Davos: Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và giao dịch dựa trên luật lệ”. Đây được xem là quan điểm nhất quán của Bern trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng các nước nên chuyển hướng khỏi nền kinh tế toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và hướng tới mô hình thương mại ưu tiên của chủ nghĩa dân tộc.

 

Có thể nói, hội nghị thường niên của WEF tại Davos là nơi để chia sẻ mối quan tâm tới hợp tác quốc tế. Đây cũng là nơi các sáng kiến ngoại giao được thảo luận hoặc công bố. Là quốc gia chủ nhà, Thụy Sỹ đương nhiên tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc họp thường niên mang lại. Cụ thể, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu EFTA gồm 4 nước thành viên là Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Thái Lan.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thụy Sỹ, ông Philippe Reich - Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ - Thụy Sỹ, đánh giá: “Tôi từng trực tiếp tham gia vào việc thảo luận Hiệp định tự do thương mại tự do giữa hai nước. Việc có các thỏa thuận thương mại tự do là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay, và không có gì ngạc nhiên khi trọng tâm là ở châu Á.

Chúng tôi vừa ký kết với Thái Lan. Còn với Việt Nam, hy vọng chúng tôi sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do và mở cửa thị trường tại Việt Nam. Đối với các công ty Thụy Sỹ, bước đầu tiên luôn được coi trọng là quá trình tiếp cận thị trường, bởi vì hầu hết các công ty Thụy Sỹ là các công ty vừa và nhỏ. Đối với họ, thỏa thuận về tự do thương mại sẽ tạo ra sự khác biệt nếu thị trường mở cửa thuế quan, hay có thuế quan thấp hơn hoặc không có thuế quan.

Sau đó, tất nhiên, như một bước thứ hai, đầu tư vào một quốc gia. Và chắc chắn cũng có lợi cho các quốc gia như Việt Nam khi có quan hệ thương mại thành công với Thụy Sỹ. Vì vậy, tôi rất hy vọng chúng ta sẽ sớm có hiệp định thương mại tự do”.

Còn trong thông cáo báo chí nêu trên, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Guy Parmelin khẳng định dù khối lượng thương mại giao dịch giữa Thụy Sỹ với Thái Lan tới nay còn khiêm tốn nhưng việc ký kết FTA làm nổi bật chính sách kinh tế của nước này trong một số lĩnh vực. Là một nền kinh tế nhỏ, Thụy Sỹ phụ thuộc vào thương mại quốc tế cũng như một bộ quy tắc đáng tin cậy - cả trong khuôn khổ đa phương và quan hệ song phương.

Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin nhấn mạnh: "Mọi người có xu hướng quên rằng các hiệp định thương mại tự do không chỉ mang lại lợi thế về thuế quan mà còn cung cấp một mức độ chắc chắn về mặt pháp lý nhất định cho các doanh nghiệp".

Hiện Chính phủ Thụy Sỹ hy vọng rằng cả FTA mới có thể được thực hiện mà không gặp trở ngại và thúc đẩy hơn nữa thương mại với Thái Lan. Trong đánh giá về văn kiện này, bà Christine Moser- đại diện tổ chức chuyên về thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư Switzerland Global Enterprise, khẳng định: “Mỗi hiệp định thương mại tự do chủ yếu là về việc tạo điều kiện tiếp cận các thị trường quan trọng cho các công ty của chúng tôi. Điều này củng cố khả năng cạnh tranh của địa điểm kinh doanh của chúng tôi và do đó là sự thịnh vượng của Thụy Sỹ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục