Thủy văn thuận lợi, ĐHĐ cán mốc sản lượng 70 tỷ kWh

11:21' - 27/01/2018
BNEWS Nhờ thủy văn thuận lợi nên sản lượng của toàn Công ty đạt 3,328 tỷ kWh trong năm 2017, tăng 22,35% so với kế hoạch năm và vượt 45,9% so với mức thực hiện năm 2016, chính thức cán mốc 70 tỷ kWh.
Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Diệp Chí Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) cho biết, năm 2017 là năm có thủy văn tốt nhất từ trước đến nay. Lưu lượng nước về các hồ đều cao hơn so với năm 2016 và cao hơn trung bình nhiều năm.

Cụ thể, lưu lượng nước về hồ Đa Nhim là 39,78 m3/s (năm 2016 là 27,67 m3/s, trung bình nhiều năm là 22,81 m3/s); lưu lượng nước về hồ Hàm Thuận là 56,68 m3/s (năm 2016 là 40,78 m3/s, trung bình nhiều năm là 49,63 m3/s). Trong đó, hồ Đa Nhim tiến hành xả điều tiết nhiều đợt trong năm với lưu lượng xả bình quân là 14,34 m3/s, tương đương với khối lượng nước xả là 453 triệu m3.

Nhờ thủy văn thuận lợi nên sản lượng của toàn Công ty đạt 3,328 tỷ kWh trong năm 2017, tăng 22,35% so với kế hoạch năm và vượt 45,9% so với mức thực hiện năm 2016, chính thức cán mốc 70 tỷ kWh kể từ năm 1964 khi Nhà máy thủy điện Đa Nhim đi vào vận hành. Riêng Nhà máy thủy điện Đa Nhim đạt 1,403 tỷ kWh, hệ số sử dụng công suất đặt của nhà máy này đạt kỷ lục 100,13%, tương đương 8.750 giờ chạy máy, trong khi thiết kế là 8.400 giờ chạy máy. Đây là sản lượng cao nhất từ trước đến nay của nhà máy này.

Vì vậy, doanh thu sản xuất điện của Công ty trong năm qua đạt mức 1.576 tỷ đồng, tăng 183 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu tăng thêm từ thị trường điện đạt 192 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 814 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch.

Đánh giá của ông Diệp Chí Hiếu cho thấy có được kết quả này là do từ đầu năm đến cuối năm, nước về hồ cao hơn lưu lượng chạy máy, hệ số sử dụng máy cao, chạy quanh năm và luôn cao hơn công suất thiết kế nên giảm được suất sự cố. Còn nguyên nhân chủ quan là Công ty đã rút ngắn tiến độ bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa theo độ tin cậy của tổ máy, nhằm xử lý nhanh được các sự cố xảy ra. Hàng tháng Công ty cũng đều kiểm điểm tình trạng hoạt động của thiết bị để khắc phục nhanh nguy cơ sự cố, nhằm tăng khả dụng của tổ máy.

Ngoài việc tăng sản lượng, trong năm qua, Công ty tiếp tục hoàn thành các hợp đồng dịch vụ bên ngoài đã k‎‎ý kết theo tiến độ của Chủ đầu tư với chất lượng cao, đảm bảo an toàn và thanh quyết toán từng phần theo hợp đồng Thủy điện Xekaman 1 – Xekaman Sanxay; Thủy điện Đa Dâng; Thủy điện Hồi Xuân …

Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc ĐHĐ Lê Văn Quang cũng cho biết trong năm 2017, công tác vận hành thị trường điện gặp nhiều khó khăn. Nhà máy Hàm Thuận – Đa Mi không trực tiếp tham gia thị trường điện cả năm do giá điện chưa được phê duyệt. Nhà máy Đa Nhim – Sông Pha không trực tiếp tham gia thị trường từ 01/10/2017 đến 01/11/2017 theo quyết định của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, nhiều khoản mục chi phí tăng trong năm như thuế tài nguyên, phí môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do sản lượng tăng cao và từ tháng 12 giá tính thuế tài nguyên và phí môi trường rừng đều tăng. Chi phí tiền lương cũng tăng do quyết toán trên cơ sở sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều vượt so với kế hoạch nên khiến tổng chi phí thực hiện trong năm 2017 của Công ty là 843 tỷ đồng, tăng khoảng 34 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tuy nhiên, nhờ tích cực tiết kiệm chi phí nên Công ty đã đạt mức tiết giảm chi phí theo kế hoạch tốt ưu hóa chi phí đã đăng ký. Dự kiến mức chia cổ tức tối thiểu trong năm là 12%, đạt trên 120% so với kế hoạch.

Một góc hồ Đa Nhim. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Về công tác phòng chống thiên tai, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cho hay Công ty luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tuyên truyền, cảnh báo đến nhân dân các vùng hạ du khi có dự báo mưa lớn, lũ về để giảm tối thiểu các thiệt hại cho hạ du. Hồ Đơn Dương năm qua có 5 trận lũ về (hồ Hàm Thuận và Đa Mi không có lũ) thì đã cắt giảm được 30-100% các cơn lũ về hồ, giảm thiểu rất lớn về thiệt hại cho hạ du. Riêng con bão số 12, lưu lượng nước về hồ đạt 1.213 m3/s, thì hồ xả với lưu lượng lớn nhất là 350 m3/s, đã cắt được 70% lũ.

Sản xuất kinh doanh hiệu quả, ĐHĐ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như vận động CBCNV đóng góp 3 ngày lương ủng hộ cho “Quỹ tương trợ xã hội”; “Ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt ở Miền Trung khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 12” và  “Ủng hộ các tỉnh vùng núi phía Bắc theo chỉ thị số 30a”; Đóng góp xây dựng Điện mặt trời cho lớp học tình thương tại Biển hồ Campuchia; Xây dựng nhà tình thương tại huyện Tánh Linh - tỉnh Bình Thuận; Xây dựng sân trường tiểu học huyện Lạc Xuân - tỉnh Lâm Đồng …với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng

Tổng Giám đốc ĐHĐ Lê Văn Quang cho biết, năm 2018, bên cạnh những thuận lợi như: Mực nước các hồ chứa vào đầu năm khá cao (hồ Đa Nhim là 1.042m, hồ Hàm Thuận là 603,43m) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy của Công ty trong việc phát điện và tham gia thị trường điện. Do vậy, năm nay Công ty lấy lưu lượng nước về các hồ Đa Nhim và Hàm Thuận theo tần suất nước là 65% ứng với sản lượng điện là 2,665 tỷ kWh.

Tuy nhiên, tính toán của ĐHĐ cũng cho thấy năm 2018, chi phí khấu hao, lãi vay giảm nhưng thuế tài nguyên, phí môi trường rừng tăng và  phát sinh chi phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước gần 29 tỷ đồng. Do đó, ĐHĐ đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế  642 tỷ đồng. Kế hoạch chia cổ tức năm 2018 vào khoảng 10%.  

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Quang, Công ty sẽ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ máy phát điện, thiết bị, hệ thống công trình; thực hiện tốt các chỉ số hiệu quả vận hành như tỷ lệ điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỷ lệ dừng máy sự cố và tỷ lệ dừng máy bảo dưỡng. Bên cạnh việc vận hành tối ưu các hồ chứa, tích nước các hồ chứa đạt mực nước cao nhất vào cuối năm, Công ty tiếp tục tăng cường kỷ luật trong quản lý vận hành và quản lý kỹ thuật; đảm bảo các tổ máy phát điện ở trạng thái sẵn sàng tham gia phát điện.

Cùng với việc tích cực tham gia thị trường điện, thực hiện chào giá hiệu quả nhằm tăng thêm doanh thu từ thị trường điện, Công ty cũng phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện khai thác tối ưu các hồ chứa, sẵn sàng phát điện và cấp nước các vùng hạ du trong mùa khô 2018.

Mặt khác, Công ty chú trọng theo dõi chặt chẽ tình trạng hệ thống thiết bị, công trình; có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ xảy ra sự cố; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng và các phương án xử lý sự cố; xử lý nhanh chóng, chính xác các sự cố khách quan, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố chủ quan. Tổ chức thực hiện đề án nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành các tổ máy phát điện nhằm tăng hiệu quả vận hành tối đa của thiết bị và giảm chi phí trong bảo dưỡng sửa chữa.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng vận hành, sửa chữa; cán bộ quản lý, kỹ thuật…có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu vận hành và sửa chữa hệ thống thiết bị, công trình trong Công ty; trong đó đặc biệt chú trọng tiếp nhận và vận hành an toàn, tin cậy Nhà máy mở rộng thủy điện Đa Nhim vào cuối năm 2018. Đồng thời quản lý chặt chẽ lực lượng lao động; bố trí, phân bổ lực lượng lao động hợp lý, phù hợp với công việc để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục