Tiềm năng nào cho du lịch trong không gian vũ trụ?

16:13' - 21/07/2021
BNEWS Những chuyến bay đưa người du lịch vào không gian cũng mang đến những lo ngại về lượng khí thải từ các con tàu không gian có thể gây ô nhiễm môi trường.

Tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, 55 tuổi, người sáng lập Amazon, ông chủ của công ty hàng không vũ trụ Blue Origin vừa cùng 3 người khác đã thực hiện thành công chuyến du hành kéo dài khoảng 10 phút 20 giây tới rìa không gian.

Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong ngành du lịch vũ trụ tư nhân. Chuyến đi cũng đã đánh dấu cuộc thử nghiệm quan trọng đối với một tổ hợp tàu vũ trụ tên lửa hoàn toàn tự động, được xem là "con át chủ bài" trong các kế hoạch khai thác thị trường du lịch vũ trụ tiềm năng mà công ty hàng không vũ trụ Blue Origin do Jeff Bezos sáng lập vào năm 2000, và cả nhiều công ty hàng không vũ trụ khác, đang hướng tới.

* Chuyến bay của tỷ phú Jeff Bezos

Vào tối ngày 20/7 (theo giờ Việt Nam), tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos cùng 3 người khác đã thực hiện chuyến bay vào không gian đầu tiên do Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin thuộc sở hữu tỷ phú này thực hiện.

Con tàu vũ trụ New Shepard đã rời bệ phóng tại Cở sở Launch Site One của Blue Origin tại sa mạc Tây Texas vào lúc 8h12 (theo giờ địa phương).

Vụ phóng này đã bị hoãn ít phút trước đó. Sau khi cất cánh, tàu vũ trụ New Shepard bay hướng về không gian với tốc độ hơn 3.700 km/h sử dụng động cơ oxy hóa lỏng hydro.

Sau khi tới gần ranh giới Karman, vốn là ranh giới được công nhận giữa bầu khí quyển của Trái đất và không gian bên ngoài ở độ cao 100 km, tàu New Shepard đã tách khỏi tên lửa đẩy.

Tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin đặt theo tên của phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ Alan Shepard, là một tổ hợp tự động hoàn toàn cao 18,3m, gồm một cabin hành khách 6 chỗ ngồi, gắn tên lửa đẩy tái sử dụng.

Bezos chọn thời điểm khởi hành chuyến bay thương mại đầu tiên lên quĩ đạo là ngày 20/7 là bởi nó đánh dấu kỉ niệm 52 năm ngày Apollo 11 hạ cánh trên Mặt trăng.

Cùng đi với tỷ phú Bezos trong chuyến bay thám hiểm ngắn này còn có anh trai ông là Mark Bezos, phi công 82 tuổi Wally Funk, và sinh viên 18 tuổi Oliver Daeme. Như vậy, trên chuyến bay có cả người trẻ tuổi nhất và người lớn tuổi nhất từng bay vào vũ trụ.

Đây là sứ mệnh không gian đầu tiên trên thế giới với các hành khách tham gia hoàn toàn "không chuyên".

Chuyến bay vào không gian này kéo dài trong 11 phút, trong đó hành khách có từ 3 đến 4 phút để "tận hưởng" trạng thái không trọng lượng và ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao.

Sau đó, tên lửa đẩy New Shepard tự động quay trở lại một bãi đáp ở phía Bắc khu vực phóng trong khi tàu vũ trụ New Shepard hạ cánh an toàn trên sa mạc Texas nhờ trợ giúp của 3 chiếc dù lớn và một động cơ đẩy. 

Ông Jeff Bezos đã thành lập công ty Blue Origin vào năm 2000 để theo đuổi ước mơ bay vào không gian vũ trụ. Blue Origin đặt mục tiêu sẽ thực hiện 2 chuyến bay thương mại nữa trong năm nay, trong đó chuyến kế tiếp dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10.

* Tiềm năng của ngành du lịch vũ trụ

Chuyến bay vừa thực hiện của Jeff Bezos đã đánh dấu sự gia nhập của Blue Origin vào thị trường hàng không vũ trụ tư nhân, cùng với đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực du hành không gian là Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson, và SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Hiện 3 công ty hàng không vũ trụ này đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua du lịch vũ trụ có giá trị thị trường tiềm năng khoảng 3 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.

Ngay trước khi chuyến bay của tỷ phú Jeff Bezos diễn ra, giấc mơ du lịch vũ trụ của tỷ phú Richard Branson cũng đã trở thành hiện thực, khi vào ngày 11/7 vừa qua, tàu vũ trụ VSS Unity SpaceShipTwo đã đưa ông cùng 2 phi công và 3 hành khách khác khởi hành trên một chuyến bay từ căn cứ ở bang New Mexico (Mỹ) với đích đến là rìa vũ trụ.

Thành công của chuyến bay thử nghiệm này rất quan trọng đối với tỷ phú Branson.

Ông không chỉ vượt qua Jeff Bezos để trở thành chủ sở hữu công ty hàng không vũ trụ đầu tiên bắt đầu du hành vũ trụ, mà còn cung cấp kinh nghiệm cho chuyến bay vũ trụ có người lái thương mại của Virgin Galactic sẽ bắt đầu vào năm tới.

Và kế đến là ông trùm xe điện Tesla - Elon Musk, cũng dự định sẽ chinh phục quỹ đạo Trái đất vào tháng 9 tới.

Từ lâu tỷ phú này đã để mắt đến lĩnh vực du lịch không gian. Elon Musk có kế hoạch đưa hàng loạt các tên lửa vào không gian với mục tiêu cuối cùng là đến được sao Hỏa.

Ngoài ra, tập đoàn tên lửa SpaceX của tỷ phú này cũng đang bận rộn gửi các sứ mệnh tiếp tế tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và đặt các vệ tinh lên quỹ đạo để truyền tín hiệu Internet băng thông rộng tới Trái Đất.

Theo Fox News, tính đến nay đã có 700 người đặt chỗ để có cơ hội bước vào không gian dưới quỹ đạo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Brad Pitt, Leonardo DiCaprio, Tom Hanks, và hơn 8.000 người đang chờ đợi.

Nhân loại đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của chuyến bay không gian dưới quỹ đạo tư nhân.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, các tỷ phú giàu nhất hành tinh lại tăng tốc rót tiền không tiếc tay để đẩy nhanh tiến độ cho một cuộc đua mang tên Giấc mơ vũ trụ.

Thời gian qua, nhờ những bước tiến mới về khoa học-kỹ thuật của ngành công nghiệp hàng không, du lịch vũ trụ đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn từ các công ty tư nhân, vốn đã thể hiện được khả năng tiếp cận không gian, nhất là sau khi được chính phủ “bật đèn xanh” về kinh doanh dịch vụ.

Kể từ năm 2019 khi NASA thay đổi hướng đi và mở cửa cho trạm vũ trụ ISS, du hành vũ trụ đã trở nên phổ biến trở lại.

Các công ty không gian tư nhân Mỹ như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đang đặt cược vào lĩnh vực du lịch vũ trụ với mục tiêu khiến hình thức này không còn quá xa vời.

Tuy nhiên, trong khi tỷ phú Branson và Bezos vẫn đang cạnh tranh nhau ở rìa quỹ đạo thì SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã có thể đưa hành khách lên quỹ đạo và di chuyển trong một khoảng thời gian dài hơn, ví dụ như những chuyến bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Thậm chí, SpaceX còn đưa ra nhiều kế hoạch hấp dẫn hơn, như các chuyến du lịch quanh Mặt Trăng dự kiến sẽ tổ chức trong vài năm tới, hay tham vọng đưa người lên sao Hỏa.

Việc ký hợp đồng với công ty khởi nghiệp Axiom Space vào tháng 3/2020 cũng là cách để SpaceX đẩy nhanh các kế hoạch đầy tham vọng của mình.

Còn nhớ vào tháng 3/2020, Tập đoàn công nghệ SpaceX của Elon Musk đã chính thức ký thỏa thuận với Công ty khởi nghiệp Axiom Space có trụ sở tại thành phố Houston (Texas, Mỹ) để thực hiện chuyến bay tư nhân đầu tiên đưa người tới tham quan trạm ISS.

Theo đó, tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 đã lên kế hoạch và lịch trình đưa ba du khách, và một chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp, tới ISS vào nửa cuối năm 2021.

Theo The New York Times, giá cho mỗi suất để có mặt trên con tàu Crew Dragon vào khoảng 55 triệu USD.

Vài năm gần đây, SpaceX đã bỏ ra nhiều công sức để chế tạo một phiên bản mới của tàu vũ trụ Dragon, như một phần trong chương trình đưa phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lên ISS.

Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào việc trở thành một chiếc “taxi không gian” cho các phi hành gia, SpaceX ngày càng xem du lịch vũ trụ như một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng.

* Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Song song với kỳ vọng mở ra giai đoạn mới cho ngành du lịch vũ trụ, những chuyến bay đưa người du lịch vào không gian cũng mang đến những lo ngại về lượng khí thải từ các con tàu không gian có thể gây ô nhiễm môi trường.

Các kênh truyền hình CNN, Forbes và các phương tiện truyền thông xã hội những ngày qua đã chỉ trích chuyến du lịch của ông Branson vì tàu vũ trụ SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Ông Gavin Schmidt, cố vấn khí hậu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), trấn an rằng: “Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ tên lửa phóng tàu không gian là không đáng kể so với các hoạt động khác của con người, hay so với hàng không thương mại”.

Nhưng thực tế, có thể ở hiện tại, các vụ phóng tên lửa nói chung không thường xuyên diễn ra nên ít gây ô nhiễm, nhưng một khi hoạt động diễn ra thường xuyên hơn, vấn đề sẽ khác.

Điều mà các nhà khoa học lo lắng là khả năng gây hại lâu dài khi ngành công nghiệp này phát triển lớn hơn, đặc biệt là tác động đến tầng ozon phía trên của bầu khí quyển.

Trong một bài phân tích dài trên CNN, chuyên gia môi trường của hãng tin này cũng cảnh báo về những tổn thất  môi trường mà du hành vũ trụ có thể gây ra.

Theo số liệu từ công ty Virgin Galactic, lượng khí thải từ hành khách của chuyến bay đến rìa vũ trụ có thể so sánh với lượng khí thải của vé hạng thương gia trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Con số này khoảng 0,2kg trên mỗi kilomet, tương đương 2,45 tấn trên một chuyến bay dài 11.100 km.

Dù công ty Virgin Galactic lập luận, rằng lượng khí thải sẽ được bù đắp nhưng đó vẫn là cái giá quá lớn để trả một vài phút trải nghiệm trong điều kiện không trọng lực.

Hơn nữa, theo tính toán của giới khoa học, các chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương chở hàng trăm người, phát thải lượng khí thải vẫn thua xa so với lượng khí thải từ một chuyến bay tổng cộng 6 hành khách trên con tàu SpaceShipTwo.

Đây là số liệu phân tích do nhà vật lý thiên văn người Pháp Roland Lehoucq và các đồng nghiệp công bố trên tạp chí The Conversation.

SpaceShipTwo sử dụng một loại cao su tổng hợp làm nhiên liệu và đốt cháy bằng nitrous oxide (N2O) - chất cản trở mạnh sự hình thành tầng ozon, với mức độ ảnh hưởng tương đương các hợp chất CFC.

Các hạt chất thải rắn lơ lửng trong không gian phản xạ với ánh sáng Mặt trời cũng như đẩy nhanh các phản ứng hóa học làm suy giảm tầng ozon, vốn rất quan trọng để bảo vệ con người khỏi bức xạ có hại.

Công ty Virgin Galactic cho biết, họ đã cố gắng giảm lượng khí thải của con tàu xuống mức thấp, đồng thời khẳng định trong tương lai sẽ tiếp tục giảm thêm.

So với SpaceShipTwo, tàu vũ trụ Blue Origin của Jeff Bezos sử dụng nhiên liệu sạch hơn, theo đó đốt cháy hydro lỏng và oxy lỏng thành hơi nước.

Nhưng tàu vũ trụ Blue Origin cần phải được đẩy lên không gian bằng tên lửa Falcon 9 với lượng khí thải CO2 tương đương 395 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Annette Toivonen, tác giả cuốn sách Du lịch không gian bền vững, cho rằng trong bối cảnh Trái đất phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, việc thực hiện một hoạt động du lịch lên không gian làm tăng lượng khí thải là không đúng lúc.

Hơn thế nữa, theo các nhà khoa học, thế giới ngày nay đã nhận thức rõ hơn về cuộc khủng hoảng khí hậu so với thời điểm các công ty tổ chức du lịch không gian này được thành lập vào đầu những năm 2000.

Những lo ngại của các nhà khoa học chắc chắn là một bài toán mà những tập đoàn hàng không vũ trụ đang theo đuổi giấc mơ đưa con người du lịch trong không gian cần phải giải đáp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục