Tiềm năng phát triển công trình xanh còn rất lớn

16:47' - 26/09/2024
BNEWS Hiện Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước... Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển công trình xanh vẫn còn rất lớn...

Công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và đầu tiên là ở Tp. Hồ Chí Minh. Hiện Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước... cho thấy tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn...

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà chia sẻ tại  “Diễn đàn thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp” do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội  đồng chủ trì. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà khẳng định, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiêu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Các công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế và gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh – Thứ trưởng Phạm Minh Hà nêu vấn đề.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận xét, chính sách phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu những vẫn cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp. Thông qua Diễn đàn, UBND Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, bền vững...

Theo ông Dương Đức Tuấn, các công trình xanh cần được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên tự nhiên thông qua việc ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khi thải nhà kính. Đặc biệt cần phát triển không gian xanh trong công trình giúp cải thiện vi khí hậu, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

Cùng đó, hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại cũng là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quản lý đô thị hiệu quả. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý đô thị sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa các dịch vụ công cộng. Đơn cử như việc áp dụng giao thông thông minh có thể giảm thiểu ùn tắc, tiết kiệm thời gian và năng lượng, đồng thời giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông – ông Tuấn nêu vấn đề.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024; trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình ở các loại hình công trình như khu công nghiệp, công trình dân dụng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho công trình xanh, thực tiễn triển khai ở cấp độ địa phương tỉnh, thành phố với những bài học kinh nghiệm sinh động.

Qua đó, tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi, thảo luận về những thách thức, đồng thời kiến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp để dỡ bỏ rào cản nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục