Tiềm năng sản xuất xe điện của Australia - Bài cuối: Một cơ hội bị bỏ lỡ?

07:03' - 16/02/2023
BNEWS Với tư cách là một quốc gia sản xuất lithium hàng đầu thế giới, liệu Australia có nên tự sản xuất xe điện không?
Lithium hiện đang được coi là một động lực để hồi sinh ngành công nghiệp ô tô điện và khử carbon trong nên kinh tế. Với tư cách là một quốc gia sản xuất lithium hàng đầu thế giới, liệu Australia có nên tự sản xuất xe điện không?

* Australia đã tiến gần đến việc sản xuất xe điện đến mức nào?

Hiện Australia đã sản xuất pin và chế tạo xe điện ở quy mô nhỏ. Các công ty như Feline, Gelion và Redflow đang sản xuất các cell pin (tế bào pin), trong khi các công ty khác, chẳng hạn như Redearth và Powerplus, đang xây dựng các hệ thống lưu trữ năng lượng. Công ty SEA Electric có trụ sở tại bang Victoria (Australia) gần đây đã hợp tác với một công ty châu Âu để sản xuất 8.500 xe Toyota Hilux và Land Cruiser chạy điện cho ngành khai thác mỏ.

Việc chuyển đổi các xe chạy bằng động cơ đốt trong sẽ được thực hiện tại nhà máy Dandenong của SEA ở bang Victoria, Australia.

Giám đốc điều hành Shannon O'Rourke của công ty Future Battery Industries CRC nhận định Australia có đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất xe điện. Ông cho rằng Australia đang tiến gần hơn, so với hầu hết mọi người nghĩ, trong việc sở hữu chuỗi giá trị đầu-cuối; những gì Australia chưa có là quy mô toàn cầu và Australia cần quy mô này để cạnh tranh về chi phí.

Người ta nói rằng: "Nếu bạn không phải là một tay chơi lớn, thì rất khó để có đủ năng lực nghiên cứu và phát triển nhằm theo kịp các những quốc gia đi đầu thế giới”. Câu nói này thật đúng đối với Australia khi quốc gia này đang gặp vấn đề tương tự, đó là một thị trường nội địa nhỏ. Và với việc các quốc gia như Mỹ cung cấp các khoản tín dụng thuế để mua xe điện sản xuất ở trong nước, sẽ rất khó để xe điện do Australia sản xuất có thể cạnh tranh ở nước ngoài.

* Một thương hiệu xe điện của Australia có khả thi?

Tuy nhiên, không vấn đề nào kể trên khiến cho Giáo sư Newman gặp bế tắc. Ông cho biết nếu các nhà sản xuất ô tô lớn không thể thuyết phục họ sản xuất tại Australia thì nước này nên phát triển thương hiệu ô tô của riêng mình. 

Giáo sư trên cho rằng Australia không thể chờ đợi tất cả các ngành công nghiệp sản xuất pin của mình phát triển. Nếu chờ đợi, Australia sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. Ông đã tưởng tượng ra một chiếc ô tô được làm ra từ sắt, nhôm, đồng, lithium và các vật liệu có nguồn gốc từ trong nước của Australia.

Australia là quốc gia duy nhất có tất cả 11 khoáng chất quan trọng cần thiết cho pin xe điện. Theo đó, quặng sắt sẽ được tinh luyện bằng hydro xanh. Những chiếc xe điện sẽ được lắp ráp tại các nhà máy chạy bằng năng lượng tái tạo. Australia sẽ có một chuỗi cung ứng phát thải ròng hoàn toàn bằng 0, trong tất cả các công đoạn sản xuất từ đá thành ô tô.

Để thoát khỏi tình trạng “thắt nút cổ chai” trong chuỗi cung ứng pin lithium, mỗi công ty năng lượng sạch nên xây dựng một cơ sở xử lý riêng. Hiện không thiếu lithium và lithium hydroxide. Vấn đề chỉ là học theo cách làm đã từng áp dụng ở Kwinana.

Trong bản đệ trình (xuất bản hồi tuần trước) cho Chiến lược xe điện quốc gia Australia, Tesla đã đưa ra quan điểm tương tự: "Nếu Australia muốn tiến xa hơn trong việc sản xuất các điện cực, cell pin và xe điện thì bắt buộc việc tinh chế lithium phải được mở rộng nhanh chóng”.

Trong bản đệ trình của mình, Tập đoàn Công nghiệp Australia đã “dội một gáo nước lạnh” vào ý tưởng sản xuất xe điện vì cho rằng lý do tồn tại của xe chạy bằng động cơ đốt trong (ICE) có thể dập tắt triển vọng sản xuất xe điện. Thị trường xe điện trong nước nhỏ, một số ít nhà lắp ráp không có khả năng duy trì độ sâu của chuỗi cung ứng trong nước vốn cần thiết để duy trì sản xuất với hàm lượng thành phần nội địa cao. Bên cạnh đó, chi phí lao động tương đối lớn và sự không ổn định của tỷ giá hối đoái.

Bà Yates (đại diện của RDA) cũng có quan điểm tương tự khi không nghĩ rằng Australia nên xem xét sản xuất xe điện mà thay vào đó nên tập trung vào sản xuất pin cho các hệ thống lưu trữ năng lượng lưới điện, thay vì tham gia vào thị trường xe điện toàn cầu đang cạnh tranh khốc liệt.

* Liệu đây có phải là một cơ hội bị bỏ lỡ?

Vào năm 2014, khi thị trường lithium toàn cầu nóng lên, chủ sở hữu mỏ Talison Lithium có trụ sở tại bang Tây Australia đã hợp tác liên doanh với công ty Tianqi của Trung Quốc và Albemarle của Mỹ. Đến nay, mỏ Greenbushes ở phía Tây Nam của bang Tây Australia, mỏ lithium đá cứng lớn nhất thế giới, hiện đang thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài.

Ông Mike King - một người đã nghỉ hưu, sống gần mỏ lithium Greenbushes – cho biết chỉ thấy lithium ngày càng có giá trị hơn. Khi giá lithium tăng vọt cách đây vài năm, ông King không thể tin rằng loại khoáng sản mà họ từng vứt bỏ lại trở nên có giá trị như vậy. Ông nhận ra rằng những người khai thác mỏ ở Australia trước đây đã sai lầm./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục