Tiến độ các dự án nhiệt điện than bị ảnh hưởng do khó huy động vốn

18:45' - 14/09/2021
BNEWS Một số dự án điện sẽ phải chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sang Quy hoạch điện VIII do những khó khăn về tiến độ cũng như khả năng huy động vốn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than.
Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) vừa có thông tin phản hồi về dự thảo Quy hoạch điện mới của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương đã giảm hơn 6.000 MW điện gió và tăng hơn 3.000 MW nhiệt điện than so với Tờ trình cũ hồi tháng 3/2021.

*Tăng hơn 3.000 MW điện than

Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra hồi tháng 3 tại Tờ trình 1682/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Xét về các loại hình năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, vẫn ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Tuy nhiên, ở dự thảo mới, năng lượng điện gió trên bờ và gần bờ sẽ chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; điện gió ngoài khơi giảm khoảng 2.000 MW; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.980 MW về mức 1.170 MW...

Đáng chú ý, nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW. Như vậy, tỉ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, các kết quả tính toán với kịch bản phụ tải cơ sở tới năm 2030, các nhà máy nhiệt điện than mới, đưa vào vận hành trong giai đoạn này đều là các nhà máy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Ở Tờ trình 1682, tổng công suất đặt các nguồn điện năm 2030 tại phương án phụ tải cơ sở là 138.700 MW. Như vậy, với kết quả dự báo phụ tải năm 2030 phương án cơ sở 86.500 MW thì mức dự phòng thô hệ thống điện tương ứng 37,7%. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất đặt nguồn điện như vậy là quá lớn sẽ gây áp lực tới đầu tư, làm lãng phí chung của toàn hệ thống điện.

Bộ Công Thương nêu, quan điểm trong rà soát là xây dựng phát triển nguồn điện tương ứng với các kịch bản phụ tải, xem xét tới việc giảm công suất đặt các nguồn điện, đảm bảo tỷ trọng điện năng lượng tái tạo hợp lý nhằm giảm tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển điện lực; đồng thời bố trí nguồn điện đảm bảo cao nhất khả năng tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa; khai thác tối đa khả năng truyền tải hiện có, hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045….

*Rủi ro trong thu xếp vốn

Về vấn đề này, ý kiến của GWEC cho rằng, một số dự án sẽ phải chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sang Quy hoạch điện VIII là do những khó khăn về tiến độ cũng như khả năng huy động vốn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than. Trong thời gian gần đây, việc huy động vốn cho các dự án nhiệt điện than từ các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân đã trở nên ngày càng khó khăn và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Có thể kể đến như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết ngừng cấp vốn cho các dự án than, khí và dầu vào tháng 5 năm 2021; Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) dừng đầu tư vào điện than cho các khoản đầu tư năng lượng tại nước ngoài; Ngân hàng Thế giới đưa ra các quy tắc về khí hậu để giảm việc đầu tư vào than.

Với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Standard Chartered dừng đầu tư các dự án than tại Đông Nam Á, bao gồm dự án Vĩnh Tân 3 và Vũng Áng 2; có 3 ngân hàng lớn nhất của Singapore (DBS, OCBC, UOB) cam kết dừng đầu tư các dự án than tại Đông Nam Á từ năm 2019; Ngân hàng Sumitomo Mitsui và Mizuho của Nhật Bản dừng đầu tư các dự án điện than trong nước vào năm 2019; Nhóm Mitsubishi UFJ (MUFJ) và HSBC rút khỏi dự án Vĩnh Tân 3…

Do đó, GWEC nhận định, nhiều khả năng các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VII sẽ khó có khả năng giải quyết được các vấn đề về tiến độ kể cả khi được chuyển tiếp sang Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt trong bối cảnh châu Á cũng đang chuyển dịch sang hướng giảm phát thải tiến tới trung hòa carbon trong tương lai gần.

Các dự án điện LNG nhiều khả năng cũng gặp vấn đề tương tự trong huy động vốn trong tương lai, do bản chất LNG cũng là nguồn năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, việc phát triển điện LNG cũng có các vấn đề khác, ví dụ như khiến cho hệ thống năng lượng quốc gia trong tương lai chịu sự lệ thuộc vào thị trường nhiên liệu thế giới, vốn chứa đựng nhiều biến động và rủi ro. Tới 60% chi phí vòng đời dự án điện LNG là chi phí nhiên liệu được trả cho đơn vị cung cấp nhiên liệu nước ngoài. Do đó việc phát triển điện LNG quy mô lớn cũng sẽ có những hệ lụy đến cán cân thương mại quốc gia, GWEC cho hay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các dự án nhiệt điện than và khí có các rủi ro như trên, các dự án điện gió ngoài khơi mang đến những cơ hội mới, đặc biệt trong việc cung cấp nguồn điện sạch và ổn định từ tài nguyên gió bản địa. Quan trọng hơn, theo kinh nghiệm quốc tế, giá sản xuất điện gió ngoài khơi có tiềm năng giảm lớn nhất so với các nguồn nêu trên. Mỗi 3-4 GW điện gió ngoài khơi được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng và giảm chi phí từ 20 đến 30%.

Trong thập niên vừa qua, số liệu tử GWEC cho thấy, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên phạm vi toàn cầu và dự kiến trong 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm thêm 30%. Quy hoạch Điện VIII là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam có thể bắt đầu triển khai phát triển điện gió ngoài khơi như một biện pháp dự phòng hữu hiệu cho các nguồn điện gặp rủi ro về tiến độ khác.

Chính vì vậy, đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định chiến lược về việc đẩy mạnh vai trò của điện gió ngoài khơi trong hệ thống năng lượng, với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp có dự án chậm tiến độ. Việc nhanh chóng triển khai điện gió ngoài khơi cũng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng tận hưởng việc giảm chi phí thông qua phát triển công nghệ.

Trên thực tế, việc phát triển điện gió không còn là “giấc mơ” xa vời. Ngay trong khu vực châu Á hiện nay, tại Trung Quốc đã có 11 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang phát triển nhiều GW điện gió ngoài khơi. Nếu Việt Nam lựa chọn chờ đợi thêm 10 năm nữa thì khả năng sẽ bị mất lợi thế của người đi đầu trong việc thu hút các nguồn lực tốt, GWEC khuyến cáo.

*Kiên quyết với các dự án chậm tiến độ

Theo Dự thảo mới đưa ra, Bộ Công Thương cho biết sẽ có giải pháp dứt khoát; phải xây dựng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, áp dụng đối với các chủ đầu tư, các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương.

Bộ này cho hay, ách tắc ở bất cứ khâu nào nếu không được quan tâm sát sao, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời cũng có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch, dẫn đến thiếu điện cho đất nước, giảm hiệu quả đầu tư dự án, thậm chí thất thoát, lãng phí như đã thấy thời gian qua ở một số dự án lớn.

Cụ thể, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực họp ít nhất 1 lần/tháng, thường xuyên đôn đốc các dự án trọng điểm, điều phối, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư các công trình điện đảm bảo tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các vấn để vượt thẩm quyền.

Bộ này đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương cứ 6 tháng 1 lần rà soát các công trình nguồn điện đã duyệt trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch có liên quan còn hiệu lực bắt đầu từ năm 2022.

Theo đó, nếu các dự án trong các quy hoạch đã duyệt chậm quá 24 tháng trong lần rà soát đầu tiên năm 2022 sẽ điều chỉnh đẩy lùi thời kỳ phát điện của dự án sang chu kỳ 5 năm sau.

Trong lần rà soát thứ 2 của năm 2022, nếu dự án đó vẫn không có tiến triển thực tế, sẽ xem xét thu hồi để giao cho nhà đầu tư mới có năng lực triển khai, thiệt hại vật chất (nếu có) do chủ đầu tư cũ gánh chịu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục