Tiền Giang phát huy lợi thế, tạo động lực cho ngành khai thác hải sản

11:13' - 19/08/2020
BNEWS Tiền Giang tạo động lực cho ngành khai thác hải sản phát triển một cách mạnh mẽ, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của bà con ngư dân, đang được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Với lợi thế 32 km bờ biển, án ngữ nhiều cửa sông lớn như: Soài Rạp trên sông Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, Tiền Giang có tiềm năng và thế mạnh về phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho lao động, tạo nguồn nguyên liệu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho là những địa phương nổi tiếng có nghề biển truyền thống phát đạt từ lâu đời.

Đội tàu của tỉnh hiện chủ yếu khai thác khơi xa, thu hút 10.324 lao động với nghề lưới kéo, lưới rê, vây kết hợp ánh sáng… Ngoài ra, có 276 tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển và khoảng 300 tàu hoạt động các nghề khai thác khác.

Huyện Gò Công Đông nằm ven biển Gò Công có nghề biển truyền thống từ lâu đời, phát triển mạnh với tổng cộng 930 phương tiện trong đó 2/3 phương tiện có công suất lớn, đánh bắt khơi xa. Qua hoạt động, các ngư phủ Tiền Giang góp phần vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương vừa tạo nguồn thủy sản dồi dào cung ứng thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo thống kê của địa phương, đa số đội tàu đánh bắt hải sản Tiền Giang sản xuất theo nhóm hoặc tổ, đội như: nhóm nghề lưới kéo, lưới vây kết hợp ánh sáng, nghề lưới rê… đồng thời còn có sự liên kết với các tàu hậu cần đánh bắt thủy sản để cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua, vận chuyển thủy sản.

Từ đó, giảm chi phí các chuyến biển và tăng thời gian bám biển, chất lượng sản phẩm được đảm bảo khi đưa ra thị trường cũng như kịp thời tương trợ nhau khi có sự cố hoặc thiên tai, tai nạn trong quá trình hành nghề trên biển khơi. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 43 Tổ hợp tác thu hút 392 tàu và 3.543 thuyền viên, một Hợp tác xã khai thác với 7 tàu và 68 thuyền viên, 3 nghiệp đoàn khai thác hải sản với 98 tàu và 745 thuyền viên.

Gần đây, Tiền Giang cũng nỗ lực gắn với tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, về Luật Thủy sản với các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hoặc cấp phát tờ bướm cho ngư dân cùng các hình thức truyền thông khác nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về tuân thủ những quy định chung trong quá trình hoạt động trên biển.

Mặt khác, tỉnh còn tăng cường quản lý các nhóm tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình và tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU cũng như điều tra nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn để có biện pháp xử lý thích hợp. Qua tuyên truyền, vận động, đã có 746 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 70,18% trên tổng số tàu bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách phát triển thủy sản, thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp quan trọng và cụ thể nhằm hỗ trợ ngư dân khôi phục, phát huy nghề truyền thống để làm giàu. Đáng kể là tỉnh đã triển khai dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp cảng cá Vàm Láng tại thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) có tổng vốn đầu tư trên 157 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng hỗ trợ trong khuôn khổ Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Năm 2020, dự án đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo hậu cần vững chắc cũng như chủ động trong phòng chống thiên tai, bão tố cho đội tàu đánh bắt hải sản trong ngoài tỉnh, ngư dân rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách đồng bộ khác tạo động lực thúc đầy sự phát triển của nghề biển truyền thống mà điển hình như chính sách tín dụng hỗ trợ vay vốn đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá, vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm; chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa…

Kết quả, trong thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt danh sách 39 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới với tổng số tiền cho vay ưu đãi trên 241 tỷ đồng. 11 khách hàng tàu cá được vay 19,6 tỷ đồng nâng cấp phương tiện, 25 khách hàng khác được vay 19,5 tỷ đồng vốn lưu động.

Về chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Tiền Giang hỗ trợ các tàu cá chi phí mua các loại hình bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm thuyền viên, mua bảo hiểm ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt…với tổng kinh phí hỗ trợ trên 29 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 192 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số tiền trên 143 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, các chính sách đang được triển khai trong khuôn khổ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản tạo động lực cho ngành khai thác hải sản tỉnh Tiền Giang phát triển một cách mạnh mẽ, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của bà con ngư dân, đang được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Từ đó, đóng góp vào việc duy trì đội tàu đánh bắt khơi xa bám biển, bám ngư trường để khai thác nguồn lợi thủy sản làm giàu.

Ghi nhận đáng mừng là tất cả các tàu cá đóng mới, tàu hoán cải nâng cấp đều đang hoạt động trên biển đạt hiệu quả khá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong 8 năm 2020, sản lượng khai thác hải sản ước đạt trên 92.000 tấn; trong đó, huyện Gò Công Đông nằm ven biển Gò Công có lợi thế về phát huy tiềm năng kinh tế biển đã khai thác được trên 29.000 tấn hải sản các loại, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quý cho biết, địa phương có 724 phương tiện đánh bắt xa bờ.

Từ đầu năm đến nay, các phương tiện này đều khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiền Giang phấn đấu năm 2020 đạt tổng sản lượng thủy sản trên 307.000 tấn, trong đó; riêng khai thác hải sản khoảng 130.000 tấn./.

Minh Trí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục