Tiền Giang phát triển vùng kinh tế phía Đông

09:24' - 06/11/2017
BNEWS Vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông tiếp giáp với biển Đông trong đó thị xã Gò Công đóng vai trò là đô thị hạt nhân.

Đây là vùng giàu các tiềm năng về phát triển các cảng biển và đô thị biển, mở mang công nghiệp và thương mại dịch vụ đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến nông – hải sản xuất khẩu; du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy đặc sản…

Tiền Giang phát triển vùng kinh tế phía Đông. Ảnh minh họa: Minh Trí-TTXVN

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đồng thời thúc đẩy vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, phát triển bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ gìn chủ quyền biển đảo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển vùng phía Đông của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến 2030; thành lập Ban Chỉ đạo về định hướng phát triển vùng phía Đông của tỉnh (gọi tắt là vùng phía Đông) do đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Theo ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Chỉ đạo vùng phía Đông, hiện nay, Ban Chỉ đạo đã xác định những hướng đi trọng tâm mang tính chiến lược cho các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng phía Đông từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo theo Nghị quyết đề ra.

Trước mắt, đến năm 2020, vùng kinh tế phía Đông tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt mục tiêu giá trị tăng thêm của vùng tăng bình quân hàng năm từ 8,5% đến 9,5%.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng vào năm 2020; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của vùng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 29.500 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của vùng đến năm 2020 giảm xuống mức 5,25%…

Theo đó, về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phải gắn với mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đồng thời, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi hàng hóa lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao, sản xuất theo hướng GAP và với mô hình chuỗi giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường vừa đảm bao an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Cụ thể, tỉnh chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản ở những địa bàn ven biển khó khăn, xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất phù hợp điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn hàng năm…

Với 32 km bờ biển, Tiền Giang coi trọng phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển và quan trọng là xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm, nuôi nghêu với tỷ lệ thâm canh thích hợp cho ra sản phẩm chất lượng cao, có giá trị tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Mặt khác, gia tăng hiệu quả khai thác thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng đánh bắt xa bờ; nâng cao năng lực đánh bắt của các phương tiện kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng và giữ gìn biển đảo quê hương.

Tỉnh Tiền Giang định hướng phát triển công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp vùng kinh tế phía Đông theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về giao thông thủy bộ toàn vùng với các tuyến giao thông quốc gia: quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi, tuyến sông Soài Rạp… có vai trò kết nối liên vùng để quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư…

Đặc biệt, chú trọng mời gọi đầu tư vào Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Cụm công nghiệp Gia Thuận I và Cụm công nghiệp Gia Thuận II đồng thời xúc tiến thành lập và thu hút đầu tư phát triển thêm các Cụm công nghiệp Long Bình, huyện Gò Công Tây (20 ha) và Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, thị xã Gò Công có diện tích 50 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích thu hút đầu tư và mời gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông – thủy lợi, kiến thiết đô thị, đầu tư vào các khu dân cư và khu đô thị mới miền biển, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng du lịch…nhằm tạo động lực mở mang công nghiệp – dịch vụ gắn với phát triển hiệu quả tiềm năng kinh tế biển và vùng công nghiệp phía Đông tỉnh Tiền Giang, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới miền biển.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục