Tiền Giang xuất khẩu 9 tháng đạt gần 95% chỉ tiêu cả năm

11:33' - 02/10/2023
BNEWS Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD, tăng 24,4% so cùng kỳ năm trước và đạt gần 95% chỉ tiêu cả năm.

Trong 3 tháng cuối năm, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thêm 900 triệu USD, nâng cả năm đạt kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, vượt 17,9% so kế hoạch đề ra cả năm.

 
Đáng chú ý, nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: thủy sản chế biến, gạo, rau quả… tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản chế biến xuất khẩu đạt 141.000 tấn và kim ngạch 442 triệu USD, tăng gần 60% cùng kỳ; rau quả xuất khẩu được 24.500 tấn, trị giá 55,2 triệu USD, tăng 172,6% so cùng kỳ.

Đặc biệt, tình hình xuất khẩu gạo của địa phương hiện rất khả quan. Ước tính, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xuất được khoảng 138.000 tấn gạo, tăng hơn 52.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 80,6 triệu USD, tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng về xuất khẩu ngành hàng lúa gạo cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Tiền Giang.

Trong những tháng cuối năm 2023, Tiền Giang tiếp tục tận dụng thời cơ và cơ hội thị trường triển khai các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với xuất khẩu trái cây nói riêng, nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh của tỉnh nói chung, địa phương quan tâm nắm bắt tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang…; cập nhật kịp thời những diễn biến "nóng" để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc xúc tiến các thủ tục cần thiết như: lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng nhằm tăng cường xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như các nước khác.

Tiền Giang hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao, thu hút nhiều ngoại tệ, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh chú trọng cả thị trường xuất khẩu nông sản tươi và nông sản qua chế biến, phù hợp với yêu cầu của từng thị trường và gia tăng giá trị của nguồn hàng hóa xuất khẩu.

Để mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Tiền Giang tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp mời gọi đầu tư kết hợp với vận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu, đào tạo cung ứng lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm…

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi chia sẻ, trong xúc tiến thương mại trọng tâm là tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá; chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phát huy vai trò đầu mối kịp thời cung cấp các thông tin cập nhật liên quan thị trường xuất khẩu cũng như các hội chợ, triển lãm trong ngoài nước đến các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu nhằm kết nối cung - cầu xuất khẩu, xúc tiến thương mại hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, tổ chức cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; tổ chức đoàn khảo sát thị trường mới, giao dịch thương mại song song với tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh.

Trong 9 tháng qua, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã tồ chức hàng chục cuộc hội thảo, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về các kỹ năng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, kinh doanh thương mại điện tử, hội nhập kinh doanh quốc tế... thu hút khoảng 500 doanh nghiệp các ngành hàng xuất khẩu.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhằm trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt kịp thời thông tin, khai thác và tận dụng các ưu đãi mà hiệp định mang lại đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về các rào cản thương mại… Nhờ vậy, các đơn vị có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục